10h30 - Hà Nội: Lãnh đạo các nước vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cu ba, Đặc phái viên của Thủ tướng Nhật Bản mang theo vòng hoa của Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật..., đã dẫn đầu các đoàn đại biểu cấp cao vào viếng cố Chủ tịch nước.
Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yon tới Hà Nội từ hôm qua 25/9 để vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Trước đó, ngày 22/9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã bày tỏ sự tiếc thương và gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình Chủ tịch nước Trần Đại Quang và nhân dân Việt Nam về sự mất mát to lớn này.
9h30 - Ninh Bình: Theo VOV, tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình, dòng người vào viếng Chủ tịch nước đang được nối dài. Mọi người lặng lẽ xếp hàng chờ vào viếng.
9h00 - TPHCM: Đoàn Bộ Công An khu vực phía Nam do đại tá Nguyễn Đắc Thế làm trưởng đoàn tiến vào Hội trường Thống Nhất viếng Chủ tịch nước.
8h30 - Hà Nội: Đoàn Trung ương MTTQ Việt Nam do ông Hầu A Lềnh, Phó chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, làm trưởng đoàn vào viếng.
Tiếp đó là đoàn Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng do đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng làm trưởng đoàn vào viếng.
Đoàn Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an do thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an làm trưởng đoàn vào viếng.
7h55 - TPHCM: Đoàn lãnh đạo TP.HCM, nguyên lãnh đạo TP.HCM do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân làm trưởng đoàn vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM.
7h50 - Hà Nội: Đoàn Văn phòng Chủ tịch nước do quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh vào viếng. Cùng đi có các nguyên phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Nguyễn Thị Doan.
Trong sổ tang, Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh ghi:
“Thưa anh!
Mấy ngày qua, Cơ quan luôn trong không khí buồn rười rượi vì sẽ vĩnh viễn thiếu vắng Anh và không thể tin Anh ra đi mãi mãi và ra đi thực sự rồi.
Phòng ăn trưa hàng ngày Anh vẫn ngồi ăn, anh chị em vẫn chuẩn bị tươm tất bữa ăn nhưng vẫn còn nguyên vẹn, cùng với những nén nhang thơm nhưng thấy xé lòng Anh ạ!
Kính chúc Anh ngủ một giấc bình an cõi vĩnh hằng.
Xinh thành kính chia buồn sâu sắc đến chị Hiền và gia đình”.
7h38 - Hà Nội: Đoàn Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Trưởng đoàn vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ “Vô cùng thương tiếng đồng chí Trần Đại Quang”.
Trong sổ tang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân viết:
“Vô cùng thương tiếc đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Đồng chí ra đi, để lại bao niềm tiếc nuối trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Sự đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, hết lòng vì nhân dân của đồng chí sẽ mãi mãi được đồng chí, đồng bào ghi nhớ.
Xin vĩnh biệt đồng chí. Ngàn thu yên giấc nơi cõi vĩnh hằng”.
Đoàn Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng đoàn vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ “Vô cùng thương tiếc đồng chí Trần Đại Quang".
Ghi sổ tang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết, "trong cuộc đời công tác hơn 40 năm của mình, đồng chí Trần Đại Quang luôn tận tụy, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó... Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương vô hạn, không gì bù đắp được đối với gia đình, đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè và người thân".
7h23 - Hà Nội: Đoàn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng đoàn vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Xúc động ghi vào sổ tang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhà lãnh đạo đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, nhất là với lực lượng Công an nhân dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với tất cả chúng ta.
Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Đồng chí!
Xin gửi đến gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất trước nỗi đau thương mất mát vô cùng lớn lao này."
7h10 - Hà Nội: Mở đầu lễ viếng, trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ, Đoàn gia đình họ tộc Chủ tịch nước do phu nhân dẫn đầu đã thành kính dâng hương, dâng hoa lên linh cữu.
Vòng hoa mang dòng chữ "Vợ và các con vô cùng thương tiếc".
7h10 - TPHCM: Tại dinh Thống Nhất (TP.HCM), Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên... vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
7h00 - TP HCM: Lễ viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng bắt đầu tại Hội trường Thống Nhất (quận 1) dưới sự điều hành của Văn phòng Chính phủ.
Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nghỉ hưu tại thành phố, nguyên lãnh đạo thành phố là đoàn vào viếng đầu tiên. Sau đó là các đoàn đại biểu Bộ Tư lệnh Quân khu 7; Bộ Công an phía Nam, Văn phòng Trung ương Đảng...
7h00 - Hà Nội: Đúng 7h, lễ viếng bắt đầu, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình phát biểu nhấn mạnh đến những đóng góp của Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua nhiều trọng trách khác nhau
"Hơn 46 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã cống hiến trọn đời, có nhiều đóng góp với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, được tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý của nhà nước và quốc tế... Đồng chí mất đi là tổn thất lớn với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta".
Theo Phó thủ tướng, Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ Chủ tịch nước Trần Đại Quang với nghi thức quốc tang.
Phó thủ tướng giới thiệu Ban lễ tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang với 37 thành viên, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban.
6h50 - Hà Nội: Lúc này, nhiều vị lãnh đạo cấp cao trong Ban tổ chức tang lễ đã có mặt; các đoàn chờ vào viếng cũng đã đứng hàng dài. Đội quân nhạc trong trang phục trắng nghiêm trang.
Ngoài sân nhà tang lễ, gia đình họ tộc của Chủ tịch nước đội khăn tang ngồi lặng lẽ, kín hai dãy ghế đá.
Linh cữu của Chủ tịch nước phủ Quốc kỳ đỏ thắm, đặt ở vị trí trang trọng nhất tại đại sảnh của hội trường Nhà tang lễ.
Trước linh cữu của Chủ tịch nước là bàn thờ, Quốc kỳ viền dải băng đen bên trên và phía dưới là dòng chữ "Vô cùng thương tiếc đồng chí Trần Đại Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam", tiếp đó là di ảnh của Chủ tịch nước
6h30 - Hà Nội: Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, ngay từ sáng sớm, nhiều người dân Hà Nội đã có mặt tại cổng nhà tang lễ để vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Bà Hoàng Ngọc Hoa, 75 tuổi dân cư 13, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội xúc động: "Chúng tôi rất cảm động khi Chủ tịch nước đã cống hiến đến giây phút cuối cùng của cuộc đời để lo cho dân, cho đất nước". Đi cùng với bà Hoa, bà Vũ Thị Thanh Hồng, phường Phương Liệt cũng chia sẻ: "Nghe tin Chủ tịch nước từ trần chúng tôi vô cùng thương tiếc. Hôm nay chúng tôi dậy sớm và có mặt tại đây để vào viếng và gặp Chủ tịch lần cuối".
6h00 - Hà Nội: Tại khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều người dân Thủ đô đã có mặt rất sớm để chứng kiến lễ thượng cờ rủ. Giữa không khí trang nghiêm trong ngày đầu Quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nhiều người dân không khỏi xúc động.
Lễ Thượng cờ rủ trong ngày Quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang |
Nghi lễ bắt đầu cho 2 ngày Quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Nghi lễ trao băng tang được thực hiện song song với nghi thức chào cờ hàng ngày diễn ra trên Quảng trường Ba Đình.
Các thao tác treo cờ được thực hiện rất trang trọng nhờ sự phối hợp chính xác của nhóm chiến sĩ làm nhiệm vụ trên bục. Sau khi có hiệu lệnh lá cờ được tung ra và bay lên theo tiếng Quốc ca.
Bà Nguyễn Thị Lan (76 tuổi đến từ Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Do không thể tham gia viếng tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông nên gia đình tôi đến đây từ rạng sáng để tưởng nhớ cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Nhìn hình ảnh trên lá cờ đỏ có buộc dải băng đen mà chồng tôi, một cựu chiến binh đã không cầm được nước mắt”.
Ông Vũ Tiến Bang, 78 tuổi, 54 tuổi Đảng, nguyên là Thượng tá Quân đội nhân dân, quê ở Thanh Hoá cho biết: "Tôi buồn vì trong khi đất nước đang cần nhiều nhân tài để chung sức, chung lòng phát triển thì một nguyên thủ quốc gia ra đi. Bác Quang là người góp phần lớn sức lực, trí tuệ của mình trong sự ổn định, phát triển của đất nước thời gian qua".
5h30: Tại các ngã tư, hàng trăm đoàn viên Thành đoàn Hà Nội đã có mặt để phục vụ người dân vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Nhiều vật tư như nước, ô, quạt giấy đã được chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ người dân nào tham gia đoàn viếng có nhu cầu.
Chị Lê Thanh Hương, đoàn viên của Ban tổ chức kiểm tra Thành đoàn Hà Nội cho biết, hơn 5h sáng nay các đoàn viên đã có mặt tại khu vực nhà tang lễ để chuẩn bị quạt giấy, nước để phục vụ người dân và các lực lượng phục vụ tang lễ. Mỗi nhóm bố trí khoảng 15 đoàn viên, được phân công chốt tại các ngã tư đường quanh khu vực tang lễ để phục vụ. Kế hoạch triển khai kéo dài đến hết ngày mai. Chia làm 3 ca sáng trưa chiều đến 19h tối. Thành phần tham gia phục vụ tang lễ ở ngoài là các đoàn viên của các quận nội thành và các trường Đại học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Như Báo Gia đình & Xã hội đã đưa tin, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do bệnh nặng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã từ trần hồi 10 giờ 05 phút ngày 21/9/2018 (tức ngày 12/8 năm Mậu Tuất), tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Suốt quá trình hoạt động, công tác, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý, Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Để tỏ lòng tưởng nhớ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ Chủ tịch nước Trần Đại Quang với nghi thức Quốc tang.
- Lễ viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang bắt đầu từ 7 giờ 00 phút, ngày 26/9/2018, tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
- Lễ truy điệu Chủ tịch nước Trần Đại Quang tổ chức vào 7 giờ 30 phút, ngày 27/9/2018 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
- Lễ an táng từ 15 giờ 30 phút ngày 27/9/2018 tại Nghĩa trang huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh và tại Hội trường Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cũng tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Trong hai ngày Quốc tang (ngày 26 và 27/9/2018), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
Theo Nhóm phóng viên (Giadinh.net.vn)