Đám cưới xôn xao vùng quê, không nhận tiền mừng
Cách đây hơn 10 năm, câu chuyện hôn nhân “đũa lệch” của ông Ngô Thanh Học (SN 1940) và vợ là chị Nguyễn Thị Bích (SN 1983) đã làm xôn xao không chỉ vùng quê xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam mà dư luận cả nước cũng ngỡ ngàng.
Ông Học và chị Bích sống cùng thôn nhưng ban đầu không biết nhau. Ông Học đi lính, sau đó trở về quê nhà sống trong căn nhà lụp xụp do bố mẹ để lại, hàng ngày mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai.
Chị Bích là con nhà nghèo, bị dị tật ở chân nên không làm được việc nặng. Một lần, họ tình cờ gặp nhau, xưng hô là “bác - cháu”. Biết được hoàn cảnh của ông Học, chị Bích thường hay giúp đỡ. Càng ngày, tình cảm chị dành cho ông bác hàng xóm càng lớn khi cảm nhận được ông Học là người thật thà, chân thành. Chính chị Bích là người chủ động ngỏ lời với ông Học.
Đám cưới của cặp đôi diễn ra năm 2010, khi đó, ông Học đã 70 còn chị Bích mới 27 tuổi. Chênh lệch tuổi tác quá lớn đã khiến họ phải đối diện với sự cấm cản, gièm pha, song ông Học, chị Bích vẫn quyết tâm đến với nhau. Với họ, câu chuyện hôn nhân này chỉ gói gọn trong hai từ “duyên số”.
Đám cưới năm ấy có khoảng 70-80 người tham dự, họ không nhận một đồng tiền mừng nào của khách mời.
Cả nhà 5 người chỉ có hơn 2 triệu chi tiêu mỗi tháng
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, 14 năm trôi qua, ông Học nay đã 84 tuổi, chị Bích 41. Tổ ấm của đôi vợ chồng đũa lệch có 3 người con, 2 gái, 1 trai. 2 bé lớn sinh đôi hiện học lớp 6, bé út học lớp 3.
Trước kia người ta dị nghị về mối tình lệch tuổi, giờ lại có một số người đàm tiếu, bày tỏ sự nghi ngờ rằng ông Học đã già cả, làm sao có con được? Những lời đó khiến ông Học cảm thấy rất tổn thương nhưng chẳng biết làm gì ngoài im lặng để đổi lấy sự bình yên cho gia đình, con cái. Việc có con hay không, ông là người hiểu rõ nhất. Hơn nữa, gia đình ông dường như không còn sợ lời đàm tiếu, bởi họ còn nỗi lo toan lớn hơn đó là gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền.
Khoảng 6-7 năm về trước, gia đình ông Học được chính quyền địa phương và bà con trong thôn hỗ trợ xây dựng một căn nhà cấp 4. Bên trong căn nhà tuềnh toàng, gần như không có đồ vật gì giá trị, đồ đạc ngổn ngang, dường như đã thiếu đi sự sắp xếp từ lâu.
Rơi nước mắt khi kể về hoàn cảnh của mình, ông Học nói giờ bản thân đã già yếu, sức khỏe kém, không ăn, không ngủ được, không đi đâu được. Ông cũng phải nhập viện thường xuyên. Trớ trêu thay, các con của ông cũng không mạnh khỏe. Bố vừa đi viện về còn chưa khỏi hẳn thì lại đến lượt con đi viện. Chị Bích cứ thế tất tả, chăm chồng rồi lại chăm con.
Hiện tại, cả nhà ông Học 5 người chỉ trông vào khoản tiền lương chế độ hơn 2 triệu đồng của ông Học. Thỉnh thoảng chị Bích đi bóc long nhãn thuê, làm ở xưởng may gấu bông, nhặt ve chai để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Tuy nhiên công việc bấp bênh bởi chị Bích còn bận chăm chồng, chăm con, lo toan nhà cửa, lúc nào cũng trong cảnh đầu tắt mặt tối.
Nhìn vợ vất vả, ông Học rất thương. Ông luôn dặn chị Bích làm việc ít thôi, dành thời gian nghỉ ngơi kẻo ảnh hưởng sức khỏe.
3 người con của ông Học, chị Bích đang trong tuổi ăn, tuổi lớn nhưng ít khi biết đến mùi thịt cá. Bữa cơm của gia đình khá đơn sơ, chủ yếu tận dụng những thứ có sẵn trong vườn nhà.
May mắn là bên cạnh số ít những lời gièm pha, gia đình ông Học vẫn được người dân trong thôn thương tình, thường xuyên ủng hộ quần áo, gạo, sữa,... giúp họ vơi bớt khó khăn, tạm đủ đắp đổi qua ngày.
Bản thân khổ đã quen, nhưng nhìn vợ con phải khổ cùng mình, người đàn ông ngoài 80 tuổi rất buồn, chỉ biết khóc trong lòng chứ không dám nói ra.
Sinh nhiều con, cuộc sống chật vật hiện tại là điều mà trước đây, ông Học và chị Bích không lường trước được. Nhưng đổi lại, nhiều người bảo ông Học vẫn may mắn vì có người vợ tảo tần, hết lòng vì chồng con. 3 đứa trẻ tíu tít trong nhà cũng là nguồn động viên lớn của 2 vợ chồng.
Đến hiện tại, mong muốn lớn nhất của đôi vợ chồng lệch tuổi là con cái khỏe mạnh, ngoan ngoãn, khôn lớn thành người, ông Học đỡ đau ốm để chị Bích có thời gian đi làm thuê kiếm tiền, hy vọng cuộc sống gia đình sau này đỡ vất vả hơn.
Trao đổi trên VTC Now, ông Ngô Văn Hồng (Trưởng thôn 1, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) cho biết: “Ông bà ấy sống với nhau thì cũng hạnh phúc, nhưng điều kiện kinh tế thì còn nghèo nàn, xã cũng phát động để làm cho gia đình ông cái nhà tình nghĩa.
Ngoài ra gia đình thuộc hộ nghèo, hàng năm vào dịp Lễ, Tết,... có quà gì thì địa phương cũng ưu tiên cho gia đình và các cháu, thôn xóm đều tạo điều kiện hết mức”.
Theo Lam Giang (Nguoiduatin.vn)