Chuẩn bị xác lập kỷ lục thế giới
Giữa tháng 9 này, kỷ lục gia trí nhớ Nguyễn Phùng Phong sẽ tham dự kỳ thi xác lập kỷ lục thế giới do Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) tổ chức tại Việt Nam.
Thông tin chi tiết về những thử thách đối với kỷ lục gia trí nhớ này vẫn chưa được tiết lộ, song theo chia sẻ của anh Phong, đó sẽ là những thử thách đòi hỏi phải phối hợp giữa trí nhớ dài hạn và trí nhớ ngắn hạn.
“Hoạt động trí tuệ chịu sự khống chế của não bộ, song não lại chia thành hai bán cầu là bán cầu não phải và bán cầu não trái. Những thông tin được tiếp nhận thông qua bán cầu não phải sẽ lưu lại rất lâu, gọi là trí nhớ dài hạn; trong khi đó, những thông tin ở bán cầu não trái được gọi là trí nhớ ngắn hạn. Ở chương trình sắp tới, tôi sẽ phải phối hợp, vận dụng cả hai để vượt qua thử thách”, anh Phong chia sẻ.
Anh Phong cho biết thêm, nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, sau khi xác lập kỷ lục thế giới tại WorldKings, anh sẽ cùng một số học trò sang Singapore thi đấu với các tuyển thủ quốc tế vào cuối năm nay.
Trước đó, vào tháng 6.2015, anh Nguyễn Phùng Phong đã xác lập kỷ lục Việt Nam trong sự kiện “Hành trình tìm kiếm cao thủ trí nhớ Việt Nam” do Tổ chức kỷ lục Việt Nam - Vietkings tổ chức. Tại thời điểm đó, anh chỉ cần 15 phút để ghi nhớ và đọc lại dãy 300 con số ngẫu nhiên theo cả chiều xuôi và chiều ngược.
“Biến” chữ số thành hình ảnh để ghi nhớ
Tối 8.9, chia sẻ thêm với phóng viên sau chuyến công tác dài ngày tại Hàn Quốc, anh Phong cho biết, hiện tại anh đã có khả năng ghi nhớ dãy 2.600 con số - ngang với thành tích của kỷ lục gia trí nhớ người Trung Quốc nắm giữ cách đây gần 1 năm.
“Mục tiêu của tôi là sẽ cố gắng luyện tập thêm để đạt 3.000 con số khi tham gia kỳ thi quốc tế sắp tới. Mình không biết kỷ lục gia người Trung Quốc kia đã luyện tới mức nào nên mình vẫn cứ phải luyện tập lên mức càng cao càng tốt”, anh Phong thể hiện quyết tâm.
Anh Phong đang vẽ một số hình ảnh mà anh liên tưởng tới, tương ứng với từng con số mà phóng viên đưa ra. |
Trong cuộc gặp này, anh Phong cũng bật mí cách thức mà anh nhớ dãy số.
Theo đó, mỗi con số đều được kỷ lục gia trí nhớ Nguyễn Phùng Phong hình dung sang một hình ảnh thực tế. Chẳng hạn, số 11 là cầu thang, số 28 là con thỏ đang cầm củ cà rốt, số 12 là hàm con cá mập, số 5 là ký hiệu đồng đô la Mỹ ($), số 6 là hình xoắn ốc,... Tất cả các thông tin ấy được bộ não của anh vẽ nên một bức tranh tổng thể, thậm chí anh sẽ phải dùng phương pháp tổ hợp hình ảnh khi nhớ những dãy số “khủng”.
Những hình ảnh nói trên do chính anh Phong tự nghĩ ra và anh đã tạo cho mình một cơ sở dữ liệu riêng. Anh Phong cho biết mỗi người có thể tự suy diễn con số sang bất kỳ hình ảnh nào miễn sao gần gũi, dễ hiểu nhất đối với bản thân họ.
“Chúng ta có thể gói gọn các loại dữ liệu hiện nay thành bốn nhóm là hình ảnh, chữ viết, con số và âm thanh. Trong đó, con số là khó nhớ nhất bởi nó thường chẳng có một quy tắc nào cả. Điều này thể hiện rất rõ thông qua việc chúng ta có thể nhìn qua một bức tranh nhiều chi tiết rồi vẽ lại, học thuộc nhiều trang sách hay nhớ ngay một bài hát dễ dàng, nhưng lại gặp khó khăn khi nhớ dãy chỉ vài chục con số”, anh Phong giải thích lý do chọn cách liên tưởng con số thành hình ảnh để ghi nhớ.
“Trong chuyến đi Hàn Quốc vừa rồi, tôi đã có buổi chia sẻ về phương pháp học tập, tối ưu năng lực não bộ tại Đại học Yonsei và Đại học Sangmyung với chủ đề “Học nhanh - Nhớ hoài”. Có người hỏi tôi có trí nhớ siêu phàm từ khi nào, thật sự tôi cũng không biết được. Cái đó không có gì gọi là siêu phàm cả mà là một quá trình luyện tập theo đúng phương pháp chứ không phải tự nhiên mà có được”, anh Phong chia sẻ.
Anh Phong cho biết thêm, dự kiến vào đầu tháng 10 năm nay, anh sẽ quay trở lại Hàn Quốc để tham gia một buổi hướng dẫn phương pháp ghi nhớ dễ dàng 100 từ vựng ngoại ngữ mỗi ngày (tiếng Anh, tiếng Hàn,...), nắm bắt toàn bộ ý chính từ các cuốn sách, môn học và một số phương pháp liên quan tới việc kích hoạt khả năng sáng tạo của não bộ.
Theo Ngọc Phạm (Dân Việt)