Cao ốc tràn lan, ngành giao thông "bó tay" với kẹt xe

27/12/2016 09:39:00

Tại TP.HCM, tình trạng kẹt xe - từ cửa ngõ lan vào khu trung tâm - đang ngày càng trầm trọng. Kẹt xe thì cứ kẹt, cao ốc, trung tâm thương mại cứ ùn ùn mọc lên dù đường sá vẫn cứ “muôn năm cũ”. 

Tại TP.HCM, tình trạng kẹt xe - từ cửa ngõ lan vào khu trung tâm - đang ngày càng trầm trọng. Kẹt xe thì cứ kẹt, cao ốc, trung tâm thương mại cứ ùn ùn mọc lên dù đường sá vẫn cứ “muôn năm cũ”. 

Người dân sống trên đường Chu Văn An, Q.Bình Thạnh, TP.HCM đoạn từ đường Nơ Trang Long đến Học viện Cán bộ TP.HCM cho rằng nhiều cao ốc, chung cư được xây dựng nhưng đường không được mở rộng là nguyên nhân gây nên tình trạng ùn tắc và kẹt xe (ảnh chụp chiều 26-12) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngành giao thông bị kêu réo và hết sức vất vả với tình trạng này. Điều bất ngờ, một lãnh đạo của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP trần tình: Sở không được tham gia góp ý về quy hoạch dự án nhà ở, cao ốc, trung tâm thương mại vì trong thủ tục hành chính không có yêu cầu nhất thiết phải lấy ý kiến của Sở GTVT. Đó là lý do theo vị này, trong thế trận chống kẹt xe, ngành giao thông chịu thúc thủ.

Cao ốc vươn lên, 
xe chạy chậm lại

Con đường lớn Nam Kỳ Khởi Nghĩa nối từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm Q.1 nhiều năm trước được coi là con đường cứu nguy cho nạn kẹt xe nối sân bay với trung tâm. Nay con đường này lại trở thành con đường kẹt xe tồi tệ.

Nhà cao tầng mọc lên san sát ở đoạn Q.3 với một nút thắt cổ chai ngay giao lộ với đường Điện Biên Phủ. Giao thông qua khu vực này chậm hẳn, có thể xảy ra ùn ứ kéo dài bất kỳ thời điểm nào.

Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều con đường lớn khác do các tòa cao ốc, trung tâm thương mại chen hai bên mặt đường, làm tăng lượng người lưu thông, xe cộ ra vào như đường Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận); Cộng Hòa, Phổ Quang, Hoàng Minh Giám (Q.Tân Bình); Nguyễn Đình Chiểu, Trương Định (Q.3); Cách Mạng Tháng Tám (Q.10); Khánh Hội (Q.4); Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh)...

Một vị cán bộ Sở GTVT bức xúc: “Chúng tôi rất đau đầu khi những giải pháp chống ùn tắc giao thông đã bị vỡ trận vì các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại xuất hiện ngày càng nhiều tại những khu vực vốn kẹt xe”.

Chẳng hạn, vòng xoay Công trường Dân Chủ (Q.3 - Q.10) đang là điểm nóng về kẹt xe, thế nhưng các tòa nhà cao ốc và khu thương mại trên đường Cách Mạng Tháng Tám và đường 3 Tháng 2 sắp đưa vào hoạt động thì chưa biết sẽ có giải pháp gì để xử lý kẹt xe nặng nề ở vòng xoay Công trường Dân Chủ.

Cao ốc tràn lan, ngành giao thông
Lối vào chung cư Mỹ Đức (P.21, Q.Bình Thạnh) là hẻm 220 nên thường xuyên xảy ra kẹt xe - Ảnh: Hữu Khoa

Xây cao ốc xong mới hỏi về giao thông

Ông Bùi Xuân Cường - giám đốc Sở GTVT TP.HCM - nhìn nhận việc phát triển các khu đô thị, các trung tâm thương mại, cao ốc chưa gắn liền với phát triển giao thông dẫn đến ùn tắc giao thông.

Ông Cường cho biết việc đầu tư xây dựng các dự án cao ốc hiện nay có một số vấn đề tồn tại.

Cụ thể là các dự án cao ốc, trung tâm thương mại, các công trình tập trung đông người đã được cấp phép xây dựng, đưa vào khai thác trong khi hạ tầng kỹ thuật như đường sá thì vẫn như cũ. Đây là cách làm lệch pha, khiến tình hình giao thông thêm khốn đốn.

Ông Cường cho rằng các cao ốc, trung tâm thương mại làm đúng theo quy hoạch phê duyệt “trong hàng rào ranh đất được giao”.

“Thế nhưng không có cơ quan nào đánh giá quy hoạch phía bên trong hàng rào (diện tích đất được giao) có phù hợp với quy hoạch ở bên ngoài hàng rào hay không như các chỉ tiêu về diện tích mặt đường, trạm xe buýt, nhà ga...” - ông Cường nói.

Hơn nữa, theo ông, Sở GTVT không được tham gia góp ý về quy hoạch dự án nhà ở, cao ốc vì trong thủ tục hành chính không có yêu cầu lấy ý kiến của Sở GTVT vì sợ kéo dài thời gian và gây ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của nhà đầu tư.

Vì vậy, sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư mới mời Sở GTVT tham gia góp ý kết nối giao thông từ phạm vi dự án vào hệ thống đường giao thông hiện hữu phía bên ngoài dự án, kiểu như gạo nấu thành cơm rồi mới hỏi ý kiến. Do đó, ùn tắc là hệ quả tất yếu.

Phải khắc phục 
quy trình ngược

Theo ông Cường, nhà đầu tư không có lỗi, vì “về nguyên tắc hạ tầng giao thông phải đi trước nhưng do nguồn lực về ngân sách thiếu nên không đáp ứng kịp”.

Do đó, giải pháp vẫn là điều mà ai cũng biết, vẫn ca bài ca cũ: “Sẽ phối hợp đồng bộ giữa chương trình đột phá về chỉnh trang phát triển đô thị và chương trình giảm ùn tắc giao thông với ô nhiễm môi trường và UBND TP có chỉ đạo kế hoạch phát triển thị trường bất động sản cần phối hợp đồng bộ về đầu tư hạ tầng với chỉ tiêu về nhà ở phù hợp” - ông Cường nói.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, sự “bó tay” của Sở GTVT là hệ quả của một thời gian dài thực hiện quy trình “ngược” trong cấp giấy phép xây dựng dự án nhà cao tầng, trung tâm thương mại... Ở nước ngoài, chỉ cấp phép theo hạ tầng hiện hữu.

Ví dụ như đường đó tương lai sẽ mở rộng 40m, nhưng hiện tại mới chỉ có 20m thì sẽ chỉ cấp phép theo năng lực đường, cho đến khi đường mở rộng thêm mới cho tăng năng lực xây dựng. Không ai nhồi nhét, nén gây nên tình trạng quá tải, ùn ứ.

Trong khi đó, tại Việt Nam việc cấp phép chỉ dựa trên quy hoạch hạ tầng tương lai; cấp giấy phép xây dựng khi tuyến xe buýt, bệnh viện, trường học... chỉ mới nằm trên giấy. Và hậu quả là một đô thị hỗn độn, quá tải.

Mặt khác, cách phối hợp giữa các ban ngành cũng chưa khoa học, theo KTS Nam Sơn. Đó là khi đưa ra quy hoạch tương lai, các sở, ngành ngồi lại với nhau.

Tuy nhiên khi quản lý triển khai thực tế lại mạnh ai nấy làm. Thành ra mới có chuyện chung cư xây xong không có đường ra, đường làm xong biến nhà dân thành hầm.

“Hiện nay cần phải hiệu chỉnh, tất cả những khu vực ùn tắc không tăng tải thêm nữa. Dứt khoát phải thực hiện chủ trương hạ tầng đi trước, xây dựng đi sau. Đường đang kẹt không cho xây thêm cao tầng. Trừ khi chủ đầu tư muốn làm nhanh dự án thì đóng góp kinh phí để Nhà nước đầu tư hạ tầng, phục vụ lại chuyện xây dựng.

Sau đó, Nhà nước sẽ trả lại dần cho chủ đầu tư thông qua thuế hoặc các ưu đãi khác. Tuy nhiên, để làm được việc này phải có người chịu trách nhiệm.

Không như thực tế hiện nay nhiều khu vực, tuyến đường giao thông đã ùn tắc nhưng vẫn thấy dự án đã hoặc đang tiếp tục triển khai xây lên. Nếu cứ không quyết tâm, rất khó để giải quyết chuyện ùn tắc hiện nay” - KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.

Cao ốc tràn lan, ngành giao thông

Một điển hình của xây dựng bất chấp hạ tầng giao thông

Một điển hình của việc xây dựng đi nhanh hơn giao thông là đường Chu Văn An (P.12, Q.Bình Thạnh).

Đoạn đường Chu Văn An từ điểm giao Nơ Trang Long nối ra đường Đinh Bộ Lĩnh trước đây chỉ có khu chung cư Chu Văn An nên dân cư thưa thớt.

Sau đó trên đường này mọc lên khu cao ốc Đất Phương Nam, tiếp theo là ngôi trường lớn mang tên Lê Văn Tám.

Đường bắt đầu kẹt. Chưa hết, mới đây khu chung cư 1050 Phan Chu Trinh và thêm Học viện Cán bộ TP.HCM được xây dựng, đi vào hoạt động.

Ùn tắc xảy ra mỗi ngày trên con đường nhỏ hẹp từ Học viện Cán bộ đến ngã năm Bình Hòa. Mỗi khi có hai chiếc ôtô gặp nhau là toàn bộ tuyến đường tê liệt.

Một con đường huyết mạch như thế mà một đầu bị... bít vì chưa giải tỏa, một đầu thắt cổ chai, ở giữa thì vô số cao ốc, trường học cứ mọc lên. Còn nếu thoát ra được đường Đinh Bộ Lĩnh thì sẽ gặp ngay “ổ kẹt xe” ngã tư Bạch Đằng.

Phường biết, quận biết, TP cũng biết, vô số cuộc họp người dân cũng lên tiếng nhiều. Và giải pháp khắc phục đã có cách đây hơn... 10 năm.

 

“Dứt khoát phải thực hiện chủ trương hạ tầng đi trước, xây dựng đi sau. Đường đang kẹt không cho xây thêm cao tầng

Kiến trúc sư 
Ngô Viết Nam Sơn

 
Theo Ngọc Ẩn - Tiến Long (Tuổi Trẻ)