Điều kiện đặt ra khi đó là chủ đầu tư (Cty CP May Lê Trực) thực hiện đúng cam kết đã đưa ra từ năm 2008 là không yêu cầu thành phố đền bù phần diện tích đất dành để mở đường (đường Trần Phú kéo dài hiện nay) với tổng diện tích 1.940m2.
Toà nhà tại số 8B Lê Trực nhìn lừng lững, "bọc" hướng không gian phía nam của quảng trường Ba Đình (ảnh: Quang Phong). |
Đến năm 2013, UBND Hà Nội có văn bản số 5043 ngày 12/7 gửi Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, việc triển khai dự án cao ốc tại số 8B Lê Trực phải tạm dừng thời gian qua do TP Hà Nội tổ chức triển khai lập quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Hà Nội đề nghị lãnh đạo Chính phủ cho phép Cty May Lê Trực tiếp tục thực hiện dự án để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện chủ trương di dời xưởng may ra khỏi nội thành.
Ngày 20/9/2013, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 7902 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc giải quyết thủ tục xây dựng của dự án tại số 8B Lê Trực này.
Theo đó, Phó Thủ tướng xét đề nghị của UBND Hà Nội tại công văn số 5043, đề nghị của Cty May Lê Trực tại công văn số 396 ngày 29/7/2013 và công văn số 1752 ngày 21/8/2013 của Bộ Xây dựng chấp thuận quy hoạch kiến trúc dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê tại địa chỉ này để giao UBND Hà Nội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng, chỉ đạo việc làm các thủ tục cấp phép xây dựng cho dự án theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật.
Phó Thủ tướng lưu ý việc bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp; không để kéo dài, phát sinh khiếu kiện phức tạp và yêu cầu Hà Nội báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao trước ngày 31/10/2013.
Từ đó, ngày 24/10/2013, Sở Quy hoạch-Kiến trúc một lần nữa có văn bản chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án thiết kế Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê tại số 8B Lê Trực với nội dung ghi rõ là thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại công văn 7902 nói trên và chỉ đạo của UBND Hà Nội trong văn bản số 7539 ngày 8/10/2013.
Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng dẫn ý kiến của Bộ Xây dựng, chấp thuận điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ dự án so với hồ sơ lập 4 năm trước đó.
Công trình được chấp nhận cao 18 tầng (bao gồm cả tầng kỹ thuật và tum thang) với tổng chiều cao 53m so với phương án xây toà nhà với khối đế 5 tầng, khối tháp 17 tầng, tổng chiều cao công trình là 69,1m như trước. Toà nhà cũng được thể hiện với 2 lớp công trình. Lớp công trình thứ nhất phía phố Lê Trực cao 15 tầng (44m), lớp thứ hai lùi 15m về hướng Tây (cao 50m), trên mái có tum thang kết hợp tầng kỹ thuật, nhô lên thêm 3m nữa để đảm bảo tổng chiều cao khống chế là 53m.
Lần phê chuẩn này, Sở Quy hoạch Kiến trúc đánh giá dự án phù hợp với quy hoạch chi tiết quận Ba Đình tỷ lệ 1/2000 được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt tại quyết định số 68/2000/QĐ-UB, phù hợp Quy hoạch chi tiết phần kiến trúc hai bên trục đường Cầu Giấy – Kim Mã – Hùng Vương tỷ lệ 1/500 và điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết kiến trúc hai bên trục đường này mà UBND TP Hà Nội đã phê duyệt năm 2008…
Theo đó, các văn bản này chưa thể hiện việc lô đất tại số 8B Lê Trực có thuộc quy hoạch Khu trung tâm chính trị Ba Đình (khu vực phải thực hiện quy định khống chế chiều cao các công trình một cách chặt chẽ) hay không.
Tương quan chiều cao của cao ốc 8B Lê Trực với Lăng Bác và tương quan vị trí trong Khu trung tâm chính trị Ba Đình. (Đồ họa: Ngọc Diệp) |
Cụ thể, theo quy hoạch này, phạm vi ranh giới Khu trung tâm chính trị Ba Đình được xác định giới hạn phía Bắc là phố Phan Đình Phùng, đường Thanh Niên, hồ Tây, đường Hoàng Hoa Thám; phía Nam là đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học và Sơn Tây; phía đông là đường Nguyễn Tri Phương; phía Tây là đường Ngọc Hà.
Như vậy, khu đất tại số 8B Lê Trực nằm phía trong giới hạn đường Nguyễn Thái Học. Cùng trên trục đường Nguyễn Thái Học – Trần Phú này, Bệnh viện Xanh Pôn cũng được đề cập trong bản quy hoạch với chiều cao khống chế được định rõ là 5 tầng, toà nhà Văn phòng Quốc hội được ấn định chiều cao 9 tầng.
11 tầng là chiều cao tối đa được giới hạn đối với những điểm công trình cao nhất trên toàn bộ các lô đất trong khu vực trung tâm chính trị Ba Đình. Và khu dân cư được ký hiệu là lô L cũng có yêu cầu cụ thể là phải từng bước cải tạo, chỉnh trang theo hướng hình thành khu vực dân cư tập trung có hạ tầng đồng bộ và cảnh quan, sân vườn, có điều kiện sống và môi trường đảm bảo theo quy chuẩn, đảm bảo mật độ xây dựng tối đa 30%, tầng cao tối đa 11 tầng.