Ngày 10/3, Cục CSGT thông tin, trong năm 2023 sẽ tập trung cao độ kiểm soát nồng độ cồn, ma túy trên các tuyến giao thông nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả về các giải pháp bảo đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tạo chuyển biến tích cực và hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe”.
Trong đó, trên tuyến đường bộ các đơn vị CSGT được giao làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm căn cứ vào tình hình thực tiễn về lực lượng, phương tiện, có thể phối hợp lực lượng khác thành lập tổ chuyên đề để thực hiện việc xử lý vi phạm theo kế hoạch trên tuyến, địa bàn được giao.
Đồng thời, thường xuyên thay đổi thời gian, phương thức hoạt động, công khai kết hợp với hóa trang khi kiểm soát nồng độ cồn gần khu vực nhà hàng, quán ăn, các điểm tổ chức sự kiện... trên các tuyến đường hoặc dừng kiểm soát tại những khu vực, tuyến, địa bàn trọng điểm.
Trong quá trình làm nhiệm vụ khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm, không được bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm, các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, mọi hành vi lăng mạ, chống đối phải xử lý theo quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, ma túy.
Ngoài ra, người vi phạm là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên thì ngoài việc xử lý vi phạm, phải thông báo về cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng để xử lý theo quy định.
Lực lượng CSGT tập trung kiểm tra, kiểm soát người điều khiển phương tiện giao thông trên đường bộ, thuyền viên, người lái phương tiện thủy, phương tiện đường sắt đang điều khiển phương tiện, công nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu đang trong ca trực mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
Song song với công tác tổ chức kiểm tra nồng độ cồn, ma túy, lực lượng CSGT chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, lên án hành vi sử dụng chất ma túy, rượu, bia và các chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa tham gia giao thông, công nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu khi lên ban là hành vi nguy hiểm cho xã hội, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân.
Tuyên truyền những vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ sử dụng chất ma túy, rượu bia và chất kích thích, các quy định của pháp luật, tạo dư luận đồng tình ủng hộ, giúp đỡ lực lượng CSGT khi thi hành nhiệm vụ, nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người tham gia giao thông.
Theo Thanh Hà (Tiền Phong)