Sau gần 7 tháng thí điểm phân làn từ hầm chui Thanh Xuân đến Ngã Tư Sở, tình trạng ùn tắc giao thông tại tuyến đường này vẫn chưa được cải thiện.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet những ngày cuối tháng 3, giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi vẫn còn ùn tắc. Dù có biển chỉ dẫn các phương tiện, nhưng người dân qua đây vẫn chưa tuân thủ, cũng như chưa có lực lượng chức năng giám sát việc thực hiện thí điểm này.
Anh Lê Huy Thành (Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy trước và sau khi có phân làn này cũng không khác nhau là mấy. Giao thông, phương tiện đi lại vẫn vậy, mặc dù đã phân rõ làn xe nào dành cho xe nào, nhưng người đi đường vẫn thấy chỗ nào thoáng thì chen vào. Tôi thấy rất cần có lực lượng chức năng điều hành giao thông tại đây, nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân".
Từ ngày 6/8/2022, Hà Nội thí điểm phân làn trên đường Nguyễn Trãi theo hướng thí điểm lắp đặt 748m dải phân cách cứng tách riêng làn ô tô và xe máy. Cụ thể, 2 làn sát vỉa hè sẽ cho phép xe máy, xe thô sơ và xe buýt hoạt động, làn 3 và làn 4 dành cho ô tô. Việc phân làn được thực hiện bằng dải phân cách cứng kết hợp điều chỉnh hệ thống biển báo, sơn kẻ.
Trả lời VOV, TS. Khương Kim Tạo, nguyên phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng: Về mặt lý thuyết, khoảng cách giữa các nút giao đủ dài thì phân làn mới ý nghĩa, còn khoảng cách ngắn chỉ gây khó khăn cho giao thông, đồng nghĩa với việc ùn tắc tăng lên.
"Một người đang đi làn giữa là ô tô, muốn rẽ sang phải vào các ngõ thì phải cắt qua làn xe máy. Như thế thời gian trộn dòng cắt sang làn xe máy mất khoảng 50-100m mới tách làn, lách qua được.
Như vậy, khoảng cách giữa các xe muốn trộn dòng sang trái, phải mất 50-150m, nhưng nếu 300m đã có một nút giao thì phân làn không có ý nghĩa gì vì chưa trộn xong đã tách, chưa tách xong đã trộn", TS. Tạo nêu.
Theo Nguyễn Lê Hoàng Nam (VietNamNet)