Cảnh giác với 'cò' Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM

17/05/2018 09:21:31

Bị đón đầu và chào mời khám nhanh với giá 100.000 đồng trọn gói, khám xong mới lấy tiền, nhiều bệnh nhân từ các tỉnh đến TP.HCM khám bệnh bị các "cò" dụ với rất nhiều chiêu trò.

Thậm chí các "cò" dẫn người bệnh vào phòng khám của tư nhân mạo danh thuộc Bệnh viện Đại học Y dược (BVĐHYD) và mất những khoản tiền vô lý.

Cảnh giác với 'cò' Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM
Cảnh báo “cò” được treo tại lối vào nhà xe Bệnh viện Hòa Hảo, Q.10 - Ảnh: L.PHAN

"Cò" bủa vây 4 mặt bệnh viện

Chúng tôi vừa chạy xe máy tới cổng chính bệnh viện trên đường Hồng Bàng (Q.5), đã có ngay một nhóm "cò" đón đầu và mời chào. Trên tay mỗi "cò" đều cầm một tờ rơi màu vàng có tên BVĐHYD để chèo kéo. 

Một người trong nhóm tiếp cận chúng tôi giới thiệu "phòng khám dịch vụ" của BVĐHYD, chào mời khám nhanh với giá 100.000 đồng. Chấp thuận, chúng tôi được dẫn đến phòng khám tại địa chỉ số 3 Mạc Thiên Tích.

Tại đây có bày một bàn làm việc và hai nhân viên ngồi trước cửa, tiếp nhận chúng tôi từ "cò". Hai người này bấm tờ rơi vào một mảnh giấy, rồi dẫn chúng tôi vào trong phòng khám. 

Sau khi điền thông tin cá nhân xong, chúng tôi được đưa vào một căn phòng bên trong, bác sĩ tại đây hỏi qua loa vài điều. 

Khoảng hai phút sau, chúng tôi được chuyển cho một người chở qua phòng khám khác làm xét nghiệm. 

Người này có đeo thẻ nhân viên tên Nguyễn Lam S. và được phòng khám giới thiệu là nhân viên hướng dẫn. Tuy nhiên, trong quá trình chở chúng tôi đến phòng khám khác làm xét nghiệm, anh này cho biết chỉ là người chạy xe ôm và được thuê chở khách.

Cảnh giác với 'cò' Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - 1
Khu vực bán thuốc trực tiếp tại phòng khám số 3 Mạc Thiên Tích, Q.5 - Ảnh: HỒNG PHƯƠNG

Sau khi chạy băng qua BVĐHYD, vòng ra đường Nguyễn Chí Thanh và dừng tại phòng khám đa khoa Nhân Hậu, anh này vẫn khẳng định bác sĩ khám cho chúng tôi thuộc BVĐHYD khi được hỏi, nhưng khi lên phòng khám thì bác sĩ khám lại cho biết thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy?!

Trở lại phòng khám và chờ kết quả, chúng tôi quan sát bệnh nhân liên tục được các "cò" dẫn đến phòng khám này. 

Gần một tiếng ngồi tại đây, có hơn 50 lượt khách được dẫn đến khám, nhiều người chia sẻ mới vào bãi gửi xe ra đã có người tiếp cận chào mời. 

Do nghe phòng khám thuộc BVĐHYD và được khám nhanh, nên người dân không chỉ ở tỉnh mà tại TP.HCM cũng nghe đi theo để tiết kiệm thời gian.

Khám đắt gấp 3,5 lần, thuốc đắt gấp 5 lần

Chi phí chúng tôi phải trả cho phòng khám số 3 Mạc Thiên Tích nội soi tai mũi họng là 530.000 đồng, bao gồm phí nội soi 250.000 đồng, bác sĩ tư vấn 80.000 đồng và phí dịch vụ 200.000 đồng. 

Khi đem giá trên tham khảo tại phòng tài chính - kế toán BVĐHYD thì chi phí khám tại bệnh viện chỉ hết khoảng 150.000 đồng.

Tiền thuốc điều trị trong một tuần là 330.000 đồng, loại thuốc mắc nhất là một loại kháng sinh có giá 20.000 đồng/viên. 

Khi đem so sánh giá tại nhà thuốc bệnh viện, đại diện nhà thuốc cho biết những loại thuốc chúng tôi được phòng khám bán là thuốc do Việt Nam sản xuất, giá không cao như vậy. 

Tham khảo trên website của Cục Quản lý dược, loại kháng sinh chúng tôi phải mua tới 20.000 đồng/viên chỉ có giá 4.300 đồng/viên, tức chúng tôi phải mua thuốc tại phòng khám đắt gần 5 lần so với giá bán tại bệnh viện.

Cảnh giác với 'cò' Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - 2
Nhiều bệnh nhân ngồi đợi khám nhanh mà mọi người nghĩ đây là phòng khám dịch vụ BVĐHYD TP.HCM - Ảnh: HỒNG PHƯƠNG

Trao đổi về vấn đề "cò" lộng hành trước bệnh viện, TS.BS Phạm Văn Tấn, phó giám đốc BVĐHYD TP.HCM, cho biết đây là vấn đề mới phát sinh tại bệnh viện và ban lãnh đạo đã nắm được tình hình. 

Trước đây, tại bệnh viện chỉ tồn tại "cò" xếp hàng sớm lấy số và bán lại cho người dân lấy lời, vấn đề này đã được bệnh viện xử lý hoàn toàn.

Hiện nay, tại khu vực các tuyến đường xung quanh bệnh viện lại xuất hiện các nhóm "cò" chèo kéo bệnh nhân về phòng khám số 3 Mạc Thiên Tích với giá khám và tiền thuốc rất cao. 

TS.BS Phạm Văn Tấn cũng khẳng định phòng khám này không thuộc bệnh viện quản lý. 

"Có nhiều trường hợp sau khi phát hiện đã nộp đơn tố cáo lên bệnh viện. Hiện tại, bệnh viện đã tiếp nhận và sẽ liên hệ với Công an quận 5, UBND quận 5 nhờ hỗ trợ xử lý vấn đề này" - BS Tấn nói.

Trong lúc đợi cơ quan chức năng vào cuộc, phía bệnh viện đã tăng cường phát loa tuyên truyền, thời gian tới sẽ cho phát tờ rơi khuyến cáo người dân về phòng khám này. 

"Hiện nay, để giảm tải cho bệnh viện, phía lãnh đạo mở rộng hợp tác với hai đơn vị hỗ trợ bệnh viện trong việc khám chữa bệnh tại địa chỉ 99 Thuận Kiều, 525 Sư Vạn Hạnh. Khi chẩn đoán mà bệnh nhân cần xử lý, phía hai cơ sở này và bệnh viện sẽ có xe đưa đón qua lại phục vụ người dân, chứ không phải di chuyển bằng xe máy" - BS Tấn chia sẻ.

Cảnh giác với 'cò' Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - 3
Bệnh nhân chờ ghi số tại quầy của phòng khám số 3 Mạc Thiên Tích, Q.5 - Ảnh: HỒNG PHƯƠNG

Bệnh viện cảnh báo người dân từ cổng vào

Tại một số bệnh viện trước đây có tình trạng "cò" phức tạp như Bệnh viện Mắt TP.HCM, Bệnh viện Hòa Hảo, Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Ung bướu... thì nay bóng dáng "cò" đã vắng.

Tại Bệnh viện Mắt TP.HCM, ngay cổng vào trên đường Nguyễn Thông có gắn bảng cảnh báo "Quý cô bác, anh chị khi tới khám tại bệnh viện vui lòng đi vô thẳng bệnh viện để nhân viên bảo vệ hướng dẫn quy trình, thủ tục, đăng ký khám bệnh".

Còn tại Bệnh viện Hòa Hảo (Trung tâm Medic), nhân viên bảo vệ được bố trí đứng ở cổng vào hướng dẫn người dân từ khám bệnh đến chỗ gửi xe và làm thủ tục khám.

Ở bệnh viện này cũng gắn bảng cảnh báo khá lớn với nội dung "Không có bác sĩ của Trung tâm Medic làm ngoài. Các chỉ định từ "cò" sẽ không được làm tại Medic kể từ ngày 15-3-2016".

Khó giải quyết triệt để nạn "cò"

Theo ông Huỳnh Ngọc Thạch - trưởng phòng tổ chức cán bộ Bệnh viện Da liễu, hiện nay tình trạng "cò" bên trong bệnh viện đã được dẹp bỏ hoàn toàn.

Tuy nhiên, "cò" khó có thể bị dẹp triệt để do vẫn hoạt động phía ngoài khuôn viên bệnh viện.

Đối với các đối tượng hoạt động bên ngoài, phía bệnh viện chỉ có cách nhận dạng và phối hợp với chính quyền địa phương như UBND phường, công an phường để xử lý.

Tuy nhiên, việc xử lý chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành vi gây rối trật tự hoặc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, chứ chưa có một chế tài nào được quy định trong pháp luật.

Ngoài ra, để giải quyết bớt tình trạng ùn ứ bệnh nhân, không tạo cơ hội cho "cò" hoạt động, bệnh viện đã tăng cường y bác sĩ, phòng khám và giờ khám để phục vụ người dân.

Hiện nay, bệnh viện tổ chức khám từ 6h đến 18h30 từ thứ hai đến thứ bảy mỗi tuần.

Việc phát loa tuyên truyền cho người dân cũng được thực hiện hằng ngày, kết hợp với các bảng thông báo gắn trên các tuyến đường xung quanh bệnh viện.

Theo Lê Phan - Hồng Phương (Tuổi Trẻ)

Nổi bật