Việc giúp đỡ, chia sẻ cho nhau khi khó khăn, bệnh tật, bất hạnh là truyền thống quý báu của người dân Việt Nam, thậm chí nhiều người Việt ở nước ngoài cũng gửi tiền về giúp đỡ nếu họ nhìn thấy được những thông tin, hình ảnh về những người khốn cùng trong nước, nhất là trong dịch COVID-19 hiện nay.
Thế nhưng, bên cạnh những hoàn cảnh khó khăn thật sự, vẫn còn những người có ý đồ bất chính, lợi dụng lòng thương của mọi người để trục lợi?
Điển hình như mới đây, MXH xuất hiện tình trạng các đối tượng lập Facebook giả mạo cá nhân, thường xuyên đi bình luận spam ở những bài đăng có lượt tương tác cao (được nhiều người chú ý) để kể lể khó khăn của bản thân, từ đó kêu gọi cộng đồng quyên góp từ thiện, giúp đỡ.
Đáng nói, dù là tài khoản Facebook khác nhau, hoàn cảnh kể lể cũng khác nhau song số tài khoản nhận tiền lại... chỉ đổ dồn về 1 chủ tài khoản duy nhất: 76210000333694, Ngân hàng BIDV.
Những bình luận này được cài chế độ spam tự động. Dưới mỗi bài đăng trên MXH có lượt tương tác cao sẽ liên tục xuất hiện những bình luận kể lể, kêu gọi lòng thương và "xin tiền" như vậy để thu hút sự chú ý của người dùng mạng.
Đây là một thủ đoạn lừa đảo mới song song với hình thức đăng bài về hoàn cảnh khó khăn (chưa có xác minh chính quyền địa phương để xin tiền ủng hộ, nhằm trục lợi bất chính), chính vì vậy, người dùng mạng phải cực kì cảnh giác để tránh "sa chân" vào bẫy lừa. Chẳng có ai kêu gọi từ thiện thông qua các bình luận spam như vậy cả.
Đáng nói, nội dung các bình luận này luôn "đẫm nước mắt", kèm theo hình ảnh những hoàn cảnh khó khăn nhưng không được xác minh là ở đâu, vào thời điểm nào. Dẫu vậy, với những người có tấm lòng hướng về việc thiện nguyện, coi việc giúp đỡ khác là "phát tâm" thì rất có thể sẽ mắc bẫy lừa của những đối tượng này.
Hiện nay, việc lập các tài khoản trên mạng, chia sẻ các hình ảnh thương tâm của người khác, hoặc dựng lên kịch bản vất vả, khó khăn của chính mình để nhận tiền ủng hộ diễn ra ngày một nhiều, phức tạp và rất khó kiểm soát.
Liên quan đến kêu gọi từ thiện, Thẩm phán Bùi Bá Diễn, Chánh án TAND H.Vĩnh Cửu cho rằng, thông thường có 2 dạng trục lợi.
Một là tự nhận mình thuộc nhóm thiện nguyện, đi kêu gọi cứu giúp những hoàn cảnh khó khăn, nhưng khi nhận được tiền từ các mạnh thường quân thì lại chiếm đoạt và sử dụng vào việc cá nhân.
Trường hợp thứ 2 là có một số người vì “câu like”, tăng tương tác trên mạng xã hội hoặc vì lòng tham mà tự bịa đặt, kể ra hoàn cảnh éo le của bản thân để khiến các nhà hảo tâm nảy sinh lòng trắc ẩn mà giúp đỡ, chuyển tiền cho đối tượng rồi chiếm đoạt.
Cũng theo Thẩm phán Bùi Bá Diễn, các đối tượng này thường lợi dụng tâm lý đám đông, người nhẹ dạ cả tin để dễ dàng chiếm đoạt tiền hoặc hiện vật. Việc lợi dụng này vừa vi phạm đạo đức, vừa gây ảnh hưởng trật tự xã hội nên cần xử lý nghiêm nhằm răn đe và làm gương cho những người khác.
Theo luật sư Vũ Văn Tăng, Đoàn Luật sư Đồng Nai, việc kêu gọi từ thiện để chiếm dụng hoặc ăn bớt tiền từ thiện là hành vi trục lợi trên nỗi đau, khó khăn, hoạn nạn của người khác. Việc làm này làm mất niềm tin giữa con người với nhau, khiến cho người ta nghi ngờ lòng tốt và làm giảm tính lương thiện trong mỗi người.
Theo quy định pháp luật, dùng thủ đoạn gian dối, giả danh cơ quan tổ chức, nạn nhân, đưa ra thông tin gian dối để có được tài sản từ các nhà hảo tâm và chiếm đoạt số tiền từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã có tiền án, tiền sự chưa được xóa án tích hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội… có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức án từ 3 năm đến tù chung thân.
Theo Minh Khôi (Nhịp Sống Việt)