Bà Phyế kể chuyện với phóng viên |
Được biết, dòng họ bà Phyế và ông Tak sống ở làng này đã mấy đời nay và rất thân thiết với nhau. Gia đình bà Phyế thuộc dạng giàu nhất nhì làng. Thế nên ông Tak thấy sướng “cái bụng” khi nghĩ tới chuyện con trai sẽ về nhà bà Phyế làm rể. Nếu được như vậy thì Phĩu (con trai ông Tak) thóc gạo cả đời ăn không hết. Nghĩ đến cái tình giữa hai gia đình với nhau nên trong nhiều cuộc hội làng, ông Tak cứ mon men lại gần bà Phyế gán ghép cho con trai. Nhà bà Phyế có cô con gái vừa tròn 19 tuổi rất xinh đẹp, đang đi học y tá ở trên tỉnh. Bà Phyế biết gia đình ông Tak cũng căn bản, tuy nghèo hơn gia đình bà nhưng điều đó chẳng phải vấn đề lớn. Bà thầm nghĩ: Bắt Phĩu cho con gái cũng được bởi chàng thanh niên này khỏe mạnh, lại chăm chỉ việc nương rẫy. Hơn nữa, hai gia đình từ lâu cũng đã qua lại với nhau rất thân thiết.
Vậy nên khi biết ý định của ông Tak, bà Phyế cũng hết lòng vun vén vào cho con gái. Ngặt một nỗi, con gái bà đang đi học ở trên tỉnh, mỗi năm chỉ về thăm nhà vài bữa rồi lại đi ngay nên bà chưa biết lúc nào mới nói được với con. Rồi kỳ nghỉ hè đến, con gái bà về nhà được ít ngày. Khi mẹ nói, H’Tuyết (con gái bà – PV) đã giãy nảy lên. H’Tuyết không muốn bắt chồng sớm như mẹ mình và lại càng không muốn bắt chồng là trai trong làng. Thấy con gái không biết nghe lời, bà Phyế buồn lắm.
Tìm hiểu mãi bà mới biết, hóa ra H’Tuyết đã “ưng cái bụng” với chàng trai ở xã bên, học cùng trường. Hai người hứa hẹn sau khi ra trường xin về làm cùng một chỗ rồi sẽ tính chuyện lập gia đình. Bây giờ bà Phyế bắt con gái phải lấy trai làng thì buồn cái bụng quá. Cái đầu H’Tuyết cứ suy nghĩ mãi rồi nói với mẹ không chấp nhận. Nghe con gái nói, bà Phyế thấy cũng phải. “Con gái có cái chữ rồi. Sau này về xã, H’Tuyết làm bác sĩ của cả làng, cả xã. Hãnh diện lắm chứ! Giờ cho nó bắt chồng sớm quá thì cũng không nên”, nghĩ thế nên bà Phyế cũng chiều theo ý con.
Ngược lại với bà Phyế, ông Tak sau khi nghe thông tin từ bên thông gia hụt thì giận ra mặt. Ông thầm trách bà Phyế chê nhà mình không có cái chữ, lại không có nhiều trâu, nhiều bò nên không cho con gái bắt con trai mình về làm chồng. Bởi vậy trong nhiều cuộc vui của làng, ông Tak thường xuyên nói bóng gió rằng: Nếu bà Phyế không cho con trai ông về làm rể thì ông sẽ làm cho gia đình bên ấy khốn đốn bằng thuốc thư. Ai ngờ, câu nói ấy lại là sự khởi nguồn cho những chuyện bi hài về sau.
Cái miệng hại cái thân
Ông Tak giờ không dám nói điều gì sai nữa |
Chặng đường lên tỉnh thì xa mà cái bụng bà Phyế thì cứ đau quằn quại. Lúc này, mọi người càng lo lắng hơn vì chẳng biết Yang quở phạt gì mà đến cả người bác sỹ ở huyện cũng không tìm ra bệnh. Trong lúc lo lắng, chẳng hiểu sao cái lời của ông Tak lại dội về, khiến mọi người càng bàng hoàng hơn. Tất cả đều cho rằng, ông Tak có thuốc thư thật và vì giận không được kết làm thông gia nên mới làm cái chuyện xấu như vậy. Vậy là người thì đưa bà Phyế lên tỉnh, người thì quay về sang nhà hàng xóm để hỏi cho chuyện cho ra nhẽ.
Về đến nơi, lúc ấy là nửa đêm nhưng những bước chân cứ rầm rập chạy trong làng, từng đám thanh niên đèn đuốc sáng loáng chạy tới nhà ông Tak vì cho rằng chính ông Tak đã bỏ thuốc thư khiến bà Phyế bị đau bụng như thế. Đang ngủ, ông Tak và vợ con giật mình hoảng hốt vì tiếng người gọi, tiếng la ó, tiếng chân chạy quanh nhà. Chưa hiểu chuyện gì thì đã thấy mấy thanh niên trong làng xộc vào nhà: “Ông Tak có bỏ thuốc thư bà Phyế không?!”. Chẳng hiểu đầu cua tai nheo như thế nào, thấy người quanh nhà mình đông quá, ông Tak sợ hãi, lắc đầu nguầy nguậy. Nhưng chẳng ai tin, họ nhất quyết kéo ông ra nhà rông của làng rồi mời già làng tới giải quyết. Mọi việc sau đó được êm xuôi vì sau khi đưa bà Phyế vào cấp cứu, bác sỹ cho biết bà bị viêm dạ dày. Khi cái “alo” từ trên tỉnh gọi về, người làng mới giãn ra cho ông Tak về nhà.
Tưởng chuyện chỉ dừng lại ở đó nhưng chẳng ngờ, sau khi nằm điều trị hơn một tuần ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh trở về thì gần một tháng sau, bà Phyế lại bị đau ở vùng ngực. Lần này, người làng quả quyết là do ông Tak làm. Vì cái bệnh cũ người bác sỹ trên tỉnh đã chữa khỏi hẳn rồi, bây giờ sao lại đau lại được. Chỉ có bị thuốc thư mới đau lại như thế. Hơn nữa sau vụ việc bị bắt ra nhà rông của làng giữa đêm, ông Tak về lại đi nói xấu mọi người. Thế nên lần này, bà Phyế bị đau, người thân gia đình bà lại tiếp tục tụ tập và kéo tới nhà ông Tak để đánh đập.
Song lần này, vì đã “có kinh nghiệm” nên ông Tak cùng người thân đã phản kháng lại. Vụ việc nhanh chóng được báo cáo lên xã. Chính quyền địa phương đã phải cử lực lượng xuống can ngăn và ổn định tình hình. Tuy nhiên vì sự việc xảy ra ngoài tầm kiểm soát nên chính quyền xã đã báo cáo lên công an huyện. Nhận được tin báo, lãnh đạo Công an huyện Chư Sê đã cử tổ công tác gồm 4 người xuống làng nắm thông tin và tham mưu cho lãnh đạo xã. Một mặt, đưa ông Tak lên UBND xã để bảo vệ, một mặt phối hợp với Trung tâm Y tế huyện đưa bà Phyế đi khám, điều trị. Đồng thời, phối hợp với cán bộ xã tuyên truyền, vận động, giải thích để hai gia đình hiểu, giải tán đám đông.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Phyế cho biết: “Mình chẳng biết thuốc thư là cái gì nhưng vì cái lời ông Tak nói giữa lúc có nhiều người nên mình mới nói lại với mọi người thôi. Chẳng ngờ, mọi người sợ quá nên mới làm cái chuyện bậy như thế. Giờ thì mình được người bác sỹ chữa hết bệnh rồi, cán bộ cũng đã vận động tuyên truyền nên mình hiểu chẳng có cái chuyện thuốc thư gì cả. Mình và nhà Tak đã làm hòa lại với nhau!”. Còn ông Tak, từ sau sự việc ấy cũng chẳng dám mạnh miệng tuyên bố điều gì nữa bởi cái miệng hại cái thân là như thế.
Nói về sự việc này, thượng úy Nguyễn Thành Long, Đội trưởng đội An ninh Công an huyện Chư Sê, cho biết: “Hủ tục thuốc thư vẫn còn âm thầm tồn tại trong đời sống đồng bào nơi đây. Hồi đó, công an huyện đã ngăn chặn kịp thời một vụ nghi thuốc thư tại làng Phăm Ó 1, xã Bar Măih. Nếu không sự việc đã xảy ra theo chiều hướng xấu”.
Theo H.Yến (Gia Đình & Xã Hội)