Canh bạc OceanBank trong sự nghiệp của ông Nguyễn Xuân Sơn

23/07/2015 10:16:20

Lăn lộn với ngành dầu khí 30 năm, cựu chủ tịch PetroVietnam lại vướng vòng lao lý vì lý do liên quan tới khoản đầu tư ngoài ngành hàng trăm tỷ đồng vào OceanBank.

Lăn lộn với ngành dầu khí 30 năm, cựu chủ tịch PetroVietnam lại vướng vòng lao lý vì lý do liên quan tới khoản đầu tư ngoài ngành hàng trăm tỷ đồng vào OceanBank.

Chức vụ của ông Sơn được nhắc tới trong quyết định là nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đại dương (OceanBank) - công việc ông đảm nhận từ 5 năm trước, chứ không phải nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí - vị trí ông vừa được cho thôi đảm nhiệm cách đó ít ngày.

Ông Sơn công tác trong ngành dầu khí suốt 30 năm, tính cả thời gian được cử sang OceanBank làm tổng giám đốc. Ngay từ những ngày đầu tham gia ngành dầu khí, ông đã nhận các nhiệm vụ liên quan tới lĩnh vực tài chính. Ông từng là cán bộ Vụ Tài chính Kế toán - Tổng cục Dầu khí, rồi 5 năm công tác và lãnh đạo Công ty Tài chính dầu khí (PVFC, tiền thân của ngân hàng PVcomBank ngày nay), trước khi trở thành người đại diện phần vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) tại OceanBank.

Cáo buộc đối với ông Nguyễn Xuân Sơn tập trung vào giai đoạn điều hành Ngân hàng Đại dương.

 Trong cơn sốt thành lập ngân hàng những năm cuối 2000, theo trào lưu đầu tư ngoài ngành của nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước, PetroVietnam cũng bung ra rót vốn vào ngân hàng, chứng khoán, bất động sản nhằm tìm kiếm lợi nhuận cho nguồn tiền dồi dào thu được từ lĩnh vực cốt lõi là dầu khí. Từ tháng 12/2008, ông Sơn được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc OceanBank, trước khi PetroVietnam trở thành cổ đông chiến lược vào tháng 1/2009, mở đầu cho giai đoạn phát triển thần tốc của OceanBank.

Từ mức 1.000 tỷ đồng cuối năm 2008, OceanBank tăng vốn liên tục suốt 3 năm sau đó, lên 4.000 tỷ. Tổng tài sản tăng với tỷ lệ tương ứng từ hơn 14.000 tỷ đồng lên hơn 62.600 tỷ trong cùng khoảng thời gian, theo báo cáo được kiểm toán.

Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng nóng lúc đó, đà tăng trưởng của OceanBank đã bộc lộ nhiều rủi ro. Trong vòng một năm 2008-2009, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng, tăng từ 4,5 tỷ lên gần 42,6 tỷ đồng, nợ nghi ngờ mất vốn tăng 9 lần lên hơn 100 tỷ. Hai nhóm nợ này tiếp tục tăng theo cấp số nhân trong những năm sau đó, lên hơn 200 tỷ và gần 700 tỷ trong 2 năm 2011, 2012.

Nguồn tin liên quan đến vụ việc cho chúng tôi biết, ông Sơn bị cáo buộc đồng phạm với cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm (người bị khởi tố trước đó), để cấp dưới chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng với tổng số tiền nhiều tỷ đồng. Ông cũng bị tình nghi đã cho cán bộ cấp dưới thu phí cho vay sai quy định của Ngân hàng Nhà nước.

 Thời điểm PetroVietnam và OceanBank trở thành đối tác chiến lược tháng 1/2009, tỷ lệ góp vốn không được công bố. Báo cáo thường niên OceanBank năm 2011 cho biết, tỷ lệ này là 20%, tương đương với khoảng 800 tỷ đồng.

Giai đoạn 2009-2013, OceanBank trả cổ tức bằng tiền mặt, với tỷ lệ dao động 3-15% mỗi năm. Theo tính toán của chúng tôi  trong 5 năm nói trên và tỷ lệ góp vốn 20%, số tiền cổ tức mà PetroVietnam có thể nhận về ước gần 270 tỷ đồng.

Giai đoạn tăng trưởng nóng của OceanBank cũng là thời gian ngân hàng đẩy mạnh việc đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, xây dựng, bất động sản... Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực xây dựng và hoạt động khác của nhà băng tăng từ hơn 3.000 tỷ lên hơn 5.400 tỷ đồng trong năm tài chính 2008-2009, chiếm trên 50% tổng dư nợ. Cùng thời gian này, OceanBank huy động 67% nguồn vốn từ các doanh nghiệp dầu khí, trong khi cho vay các doanh nghiệp này khoảng 21% dư nợ.

 Sau giai đoạn điều hành OceanBank, tháng 11/2010, ông Sơn trở về PetroVietnam giữ cương vị Phó tổng giám đốc. Tháng 7 năm ngoái, ông là ứng viên duy nhất được tập đoàn và Bộ Công Thương giới thiệu vào cương vị Chủ tịch Hội đồng thành viên sau khi người tiền nhiệm Phùng Đình Thực nghỉ hưu. Lúc này, PetroVietnam vẫn nắm 20% cổ phần OceanBank, tương đương khoảng 800 tỷ đồng. Đây cũng là lúc nhiều sai phạm tại ngân hàng bị cơ quan quản lý cũng như cơ quan an ninh phát hiện.

Sau khi ông Hà Văn Thắm và một loạt lãnh đạo bị bắt tạm giam từ tháng 10/2014, OceanBank rơi vào cảnh khó khăn. Đến nay, OceanBank chưa công bố thông tin nào về tình hình kinh doanh sau sự kiện nêu trên, song theo Ngân hàng Nhà nước, vốn điều lệ của ngân hàng đã bị âm và tự thân không thể bù đắp.

Từ đầu năm 2013, tại Quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu PetroVietnam, Chính phủ đã yêu cầu tập đoàn hoàn thành việc thoái vốn tại OceanBank trong năm 2015, song khoản tiền này vẫn mắc kẹt. Ngân hàng Nhà nước mới đây tuyên bố mua lại OceanBank với giá 0 đồng, chấm dứt toàn bộ quyền và nghĩa vụ của cổ đông hiện hữu. PetroVietnam, do ông Nguyễn Xuân Sơn làm chủ tịch, vì thế cũng để mất hàng trăm tỷ đồng vốn góp tại OceanBank.

 Ông Nguyễn Xuân Sơn sinh năm 1962 tại Hà Tĩnh, công tác trong ngành dầu khí từ năm 1984. Từ năm 2003 đến tháng 5/2007, ông Sơn giữ chức Phó tổng giám đốc và Tổng giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC). Ông Sơn chuyển sang OceanBank, giữ cương vị Tổng giám đốc từ tháng 12/2008, trước khi trở về Tập đoàn Dầu khí năm 2010.

Sau 4 năm giữ vị trí Phó tổng giám đốc PetroVietnam, phụ trách các lĩnh vực tài chính kế toán, kế hoạch chiến lược, đến tháng 7/2014, ông được bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn.

Ngày 19/7, Thủ tướng đã ra quyết định cho ông thôi chức Chủ tịch PetroVietnam. Cùng ngày ông nhập viện vì cao huyết áp. Đến chiều 21/7, sau khi sức khỏe ổn định, hoàn tất thủ tục xuất viện, cựu Chủ tich Tập đoàn Dầu khí đã nhận lệnh khởi tố của cơ quan điều tra.

 
>> Cận cảnh biệt thự tiền tỷ của cựu Chủ tịch PetroVietnam
>> Chân dung nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí VN vừa bị bắt
>> Bắt nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Xuân Sơn
>> Vì sao cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí bị bắt giam?
>> Ngắm biệt phủ hơn 100 tỷ đồng trên rừng Hải Vân bị buộc tháo dỡ
 
Theo Kỳ Duyên (VnExpress.net)

Nổi bật