Với YouTube, để không bị làm phiền bởi các quảng cáo chèn vào các nội dung, người dùng có thể chọn cách mua gói thuê bao Premium, mỗi tháng trả một số tiền, không nhiều và cao thấp tùy từng nước. Chỉ có điều, dịch vụ coi YouTube trả phí này hiện chỉ có ở 100 nước với hơn 30 triệu thuê bao. YouTube chưa cung cấp dịch vụ Premium tại Việt Nam.
Tất nhiên, dịch vụ miễn phí của bất cứ nhà kinh doanh nào cũng đâu phải cho không. Người dùng vẫn phải chịu một số điều kiện nào đó, với YouTube là phải chịu coi các mẩu quảng cáo được họ chèn vào nội dung. Tuy nhiên, hầu hết trường hợp là người xem được quyền chọn bỏ qua quảng cáo sau một thời gian ngắn xem.
Đây là một sự sòng phẳng. Vì vậy, trong một khảo sát ý kiến bạn đọc về các nội dung quảng cáo trên mạng xã hội do một tờ báo thực hiện, đến trưa 9-4, trong khi có 1.095 bạn đọc chọn "tắt ngay, không xem nội dung ", có tới 2.687 người chọn "bỏ qua quảng cáo". Thật ra vấn đề cốt lõi ở đây là các nội dung quảng cáo "chữa bệnh" vừa nhảm nhí, vừa độc hại trên mạng xã hội. Ngành y tế vẫn thường xuyên thông báo đã xảy ra những trường hợp bệnh nhân phải cấp cứu, nhập viện vì sử dụng "thuốc" mua theo quảng cáo trên mạng.
Đây là một giải pháp tập thể từ nhiều phía và Việt Nam có đủ quy định luật pháp để xử lý. Về phía mạng xã hội, cơ quan chức năng Việt Nam phải làm việc với mạng xã hội để yêu cầu họ kiểm tra chặt chẽ các quảng cáo chữa bệnh, cụ thể là đưa cả thuốc đông y và thực phẩm chức năng vào danh mục có điều kiện. Các quảng cáo có liên quan tới chữa bệnh phải xuất trình được giấy phép quảng cáo của cơ quan quản lý dược giống như khi quảng cáo trên báo chí.
Về cơ quan chức năng, cần quyết liệt xử phạt nghiêm minh theo các quy định hiện hành đối với các pháp nhân quảng cáo chữa bệnh vi phạm, bởi quảng cáo nào cũng có địa chỉ, số điện thoại liên lạc rõ ràng. Về phía người dùng, cần báo cáo với quản trị mạng và cơ quan chức năng khi phát hiện những nội dung quảng cáo vi phạm.
Theo Phạm Phú (Nld.com.vn)