Cần xử lý nghiêm sai phạm khi công khai danh tính của người mua, bán dâm

01/02/2018 08:54:00

Mới đây, dư luận xã hội đã rất bức xúc trước việc một số công an thị trấn Dương Đông (Kiên Giang) tung clip công khai danh tính của người mua, bán dâm.

 Trao đổi với PV chiều 31.1, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội nhận định, đó là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến danh dự, gia đình, con cái của người bị bêu tên.

Vừa qua dư luận khá là bức xúc trước hành động mang đôi nam nữ mua - bán dâm ra lề đường và công khai danh tính của họ của công an thị trấn Dương Đông (Kiên Giang). Quan điểm của bà như thế nào về vấn đề này?

- TS Khuất Thu Hồng: Tôi cho rằng việc công an thị trấn Dương Đông công khai danh tính người mua, bán dâm, bắt họ đứng đường là sai, vi phạm pháp luật. Trong trường hợp công an chứng minh người mua, bán dâm sai thì họ sẽ bị pháp luật xử lý. Còn trong trường hợp này, lực lượng chấp pháp lại bắt họ phải đứng đường để công khai tên tuổi, hành vi là quá sai. Việc công khai thông tin cá nhân là không thể chấp nhận được, bởi ngay cả bác sĩ khám bệnh cho một người mà công khai bệnh án của người đó đã là sai, huống hồ là việc công khai danh tính người mua, bán dâm.

Cần xử lý nghiêm sai phạm khi công khai danh tính của người mua, bán dâm
Tiến sỹ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội không đồng tình với việc công khai danh tín người bán dâm. 

Vấn đề công khai hay không công khai danh tính là vấn đề không mới, đã được đề cập nhiều lần trong các hội thảo, diễn đàn. Bà chia sẻ gì về điều này?

- Đúng là vấn đề này đã được bàn khá nhiều. Tuy chưa chính thức công khai hoặc chưa được quy định cụ thể trong luật nào cả nhưng trong thực tế từ lâu một bộ phận thực thi công vụ của chúng ta đã công khai danh tính của người mua dâm, bán dâm. Tôi không tán thành với chuyện công khai danh tính của người bán dâm, hay mua dâm vì điều này sẽ làm ảnh hưởng tới danh dự, gia đình, người thân con cái của họ. Chẳng có luật nào cho phép công khai danh tính của họ, cả trong nước và quốc tế, bởi điều này đi ngược lại với quan điểm nhân văn của quốc tế về việc tiếp cận giải quyết mọi vấn đề dưới góc độ quyền con người.

Vậy theo bà cần phải xử lý thế nào trong trường hợp cán bộ, cá nhân người nào đó công khai danh tính người bán dâm, mua dâm dù luật không quy định?.

- Tôi cho rằng, chúng ta sống và làm việc theo pháp luật, vì thế luật quy định thế nào thì ta làm như thế. Sai phạm ở mức độ nào thì nên xử phạt theo luật phù hợp. Ví dụ như báo chí đưa tên, hoặc ai đó đưa tên họ ra thì người đó phải bị xử lý. Lâu nay, chúng ta không chú ý tới khâu xử lý, vì vậy không thể tạo tính răn đe. Vô hình chung người mắc tội không bị xử lý mà người không mắc tội, ví dụ như gia đình, bố mẹ, con cái.... lại bị ảnh hưởng.

Cần xử lý nghiêm sai phạm khi công khai danh tính của người mua, bán dâm - 1
Một cán bộ công an đứng đọc quyết định xử phạt hành chính những người mua, bán dâm. Ảnh cắt ra từ clip

Thực tế cũng chưa có một vụ kiện ngược nào khi người mua, bán dâm bị lực lượng hành pháp công khai danh tính. Liệu đây có phải là bước "thụt lùi", khiến cho việc công khai danh tính này vẫn xảy ra trong thực tế?

- Vấn đề phóng viên nói là rất có khả năng. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc nào phải ra việc đó, cần rành mạch. Nếu cá nhân nào vi phạm pháp luật tthực hiện mua, bán dâm thì cần xử lý theo Pháp Lệnh mại dâm còn nếu cá nhân nào làm nhục người khác vi phạm quyền tự do cá nhân, công khai danh tính khi chưa được cho phép thì cũng cần phải xử lý cá nhân, hoặc tổ chức đó.

Có điều từ trước đến nay những người mua, bán dâm xấu hổ, họ không hiểu quyền tự do cá nhân hay danh tính của họ có được bảo vệ hay không nên họ cũng không dám kiện ngược lại. Tôi cho rằng đây là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau, ai sai ở đây thì phải chịu trách nhiệm ở đó. Dù là ai, nhưng thấy sai, thấy bất công thì cũng phải lên tiếng để hệ thống pháp luật của chúng ta được nghiêm minh, được thực hiện hiện phù hợp.

Xin cảm ơn bà!

Không nên công khai danh tính của người mua bán dâm

“Hiện nay, quan điểm của Đảng, Nhà nước tiếp cận vấn đề mại dâm dựa trên quyền con người. Theo đó, trong Pháp lệnh Mại dâm chúng ta cũng có quy định không được công khai danh tính của người mua dâm, bán dâm. Đương nhiên luật không cho phép công khai mà cán bộ công an khi thực thi nhiệm vụ lại công khai là sai.

Vấn đề công khai, hay không công khai danh tính của người mua – bán dâm đã được đề cập từ khá lâu, không phải bây giờ chúng ta mới bàn tới. Tuy nhiên, lần nào bàn cũng chưa thật ngã ngũ. Có người thì cho rằng cần phải công khai để đánh vào yếu tố tâm lý, giúp giảm hoạt động mại dâm. Tuy nhiên, tiếp cận ở góc độ quốc tế dựa trên quyền con người thì mọi người khuyến cáo là không nên.

Về góc độ các nhân tôi, tôi cho rằng vụ việc cán bộ công an ở thị trấn Dương Đông (Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) là không được. Có thể cán bộ trong quá trình thực thi pháp luật cũng chỉ muốn răn đe nhưng đã làm quá tay dẫn tới bị người dân và đối tượng mua, bán dâm phản ứng. Về vấn đề này, chắc chắn cơ quan chức năng ngành công an cũng phải xử lý theo luật đã định thôi”.

Ông Lê Đức Hiền – Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH)

Theo Minh Nguyệt (Dân Việt)