Ngày 7-8, Thành ủy TP Cần Thơ tổ chức hội nghị sơ kết năm năm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát về thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Bá - Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam (Ban Nội chínhTrung ương) đề nghị TP Cần Thơ cần có đánh giá cụ thể hơn về công tác này. Cụ thể, ông Bá nêu một số vấn đề như báo cáo nêu trong năm năm có 49 đảng viên tham nhũng nhưng không thấy số liệu ủy ban kiểm tra các cấp chuyển cơ quan điều tra. Thì như vậy, cần đánh giá cụ thể là những vi phạm đó chưa đến mức xử lý hình sự hay như thế nào?
Hay như “trong năm năm ngành thanh tra triển khai 1.313 cuộc thanh tra nhưng chỉ chuyển cơ quan điều tra năm vụ thì có tương xứng tình hình không? Tôi đề nghị cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra phải kiểm tra đánh giá kết quả này. Sau thanh tra, kiến nghị nộp ngân sách nhà nước 77,16 tỉ và 35.450 m2 đất thì đến nay con số này đã thực hiện đầy đủ chưa hay kiến nghị vẫn nằm trên giấy?” - ông Bá gợi ý.
Từ đó, ông Bá cho biết: “Sắp tới chúng tôi cũng là một trong số các đoàn về kiểm tra đối với Cần Thơ về nội dung này, dự kiến sau ngày 20-8, cho nên tôi gợi ý một số nội dung như vậy. Bàn sâu về chống tham nhũng (phát hiện và xử lý). Sắp tới chúng tôi đi kiểm tra cũng thiên về hướng như vậy. Để sau sơ kết này, Ban Nội chính Trung ương với tư cách là cơ quan thường trực sẽ tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng là sắp tới chúng ta sẽ làm gì. Vì thực trạng các đồng chí biết là, có nhiều quan điểm nói rằng việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử là việc thực hiện theo chức năng pháp luật quy định cho từng ngành.
Bây giờ cấp ủy Đảng tham gia vào thì có can thiệp vào quy định chấp hành pháp luật của các cơ quan hay không, có làm cản trở, làm khó khăn gì cho các cơ quan chức năng khi thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình hay không? Hay là sự kiểm tra giám sát này giúp cho các cơ quan chức năng thực hiện tốt hơn đối với yêu cầu chống tham nhũng hiện nay, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đấy, chúng ta bàn là bàn chỗ đó”.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Hải, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP Cần Thơ, cho biết qua công tác kiểm tra giám sát của cấp ủy, tổ chức Đảng, TP đã phát hiện và thi hành kỷ luật sáu tổ chức Đảng và 537 đảng viên, trong đó 49 đảng viên liên quan đến tham nhũng (trong đó, tám khiển trách, 10 cảnh cáo, bốn cách chức, 27 bị khai trừ đảng).
Thanh tra các cấp đã triển khai 1.313 cuộc thanh, kiểm tra. Qua công tác thanh tra, thanh tra các cấp đã kiến nghị và chuyển năm trường hợp cho cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật.
Về công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, cơ quan điều tra thụ lý 27 vụ với 57 bị can, đã giải quyết 24 vụ với 54 bị can, còn tồn đang điều tra ba vụ với ba bị can.
Ba vụ đang điều tra gồm đưa hối lộ trong vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Thanh tra giao thông thuộc Sở GTVT, chưa khởi tố bị can; Vụ tham ô tài sản xảy ra tại Công ty Dược phẩm Trung ương 2 và vụ tham ô tại Trường Trung cấp Thể dục thể thao (thuộc Sở VH-TT&DL) mới phục hồi điều tra sau thời gian điều trị bệnh đối với bị can Nguyễn Lang Thùy.
Trong số 24 vụ tham nhũng nêu trên thì tòa án hai cấp đã xét xử 23 vụ, còn một vụ (một bị can) đang chờ xét xử là vụ Bùi Văn Minh bị truy tố về tội nhận hối lộ xảy ra tại thanh tra giao thông thuộc Sở GTVT, bị truy tố sau khi mở rộng điều tra vụ án.
Cũng theo ông Hải, tài sản bị chiếm đoạt, bị thiệt hại trong các vụ án tham nhũng khoảng 17,3 tỉ, số thu hồi được khoảng 3,4 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 20%. Đánh giá về công tác thu hồi tài sản tham nhũng, ông Hải cho rằng trong thời gian qua vẫn chưa có những chuyển biến mang tính đột phá, số lượng tài sản tham nhũng được thu hồi là rất ít. Nhiều vụ việc không thể thu hồi tài sản do không phát hiện, truy tìm được tài sản đã bị các đối tượng phạm tội tẩu tán.
Ông Huỳnh Văn Ri, Viện trưởng VKSND TP Cần Thơ, cho biết tội phạm về tham nhũng tại TP Cần Thơ thời gian vẫn diễn biến nghiêm trọng và phức tạp với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Một số vụ án phức tạp do tội phạm thực hiện trong thời gian qua kéo dài mới phát hiện, với tính chất mức độ đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại tài sản đặc biệt lớn.
Các đối tượng phạm tội thường là người có chức vụ quyền hạn, lợi dụng sơ hở trong quản lý, câu kết với các phần tử thoái hóa biến chất trong cơ quan nhà nước và ngoài xã hội để thực hiện hành vi tham nhũng. Khi phát hiện thì luôn tìm mọi cách che giấu, chạy tội làm ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước…
Theo Nhẫn Nam (Pháp Luật TPHCM)