Trong đó có trường hợp mới sau 4 tháng tuyển dụng được bổ nhiệm làm Phó chánh thanh tra.
Trao đổi bên hành lang QH chiều nay, ĐB Dương Trung Quốc cho rằng đây là điều không bình thường, phản ánh sự bất hợp lý trong xã hội.
ĐB Dương Trung Quốc cho rằng cần thanh tra lại việc bổ nhiệm cán bộ tại Sở LĐ-TB-XH Hải Dương. Ảnh: T.Hạnh |
“Công chức sử dụng tiền thuế của dân nhưng chỉ thấy được khoản tiền chi cho lương bổng và chế độ chính sách mà không thấy hiệu quả đâu”, ông Quốc nhận xét.
Theo ĐB, trong vụ này cần thanh tra lại toàn bộ việc bổ nhiệm cán bộ, kể cả những người về hưu rồi cũng phải phải chịu trách nhiệm. Lâu nay luôn nói đúng quy trình nhưng cho hiệu quả ngược vì thiếu sự giám sát.
“Ở cấp cao hơn, Bộ Nội vụ phải chịu trách nhiệm. Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ phải có trách nhiệm giám sát bộ máy ở dưới. Trong chừng mực nào đó, các cơ quan dân cử như ĐBQH và HĐND cũng có một phần trách nhiệm”, ĐB nhấn mạnh.
Mua quan bán chức cuối nhiệm kỳ?
Qua câu chuyện này, ông Quốc nêu thực tế phổ biến nhiều nơi là cứ sắp hết nhiệm kỳ tận dụng quyền lực để đề bạt ồ ạt.
“Cứ lấy lý do tăng cường bộ máy nhân sự nhưng ai cũng thấy đó là mua quan bán chức, họ thu lợi từ đó. Chúng ta biết nhưng chúng ta có xử lý đâu”, ĐB đặt câu hỏi.
Dẫn lại trường hợp 4 tháng đã được bổ nhiệm lên cấp phó ở Hải Dương, ông Quốc cho rằng cần phải xem lại trường hợp này có tài năng đột xuất hay có những mối quan hệ khác nhau.
“Không loại trừ đó là mua quan bán chức. Vì thế phải làm đến cùng cho rõ ràng để bộ máy vận hành hợp lý và hệu quả”, ông Quốc nói.
Theo ông Quốc, nếu cứ tái diễn tình trạng này, mục tiêu giảm biên chế chỉ là hình thức.
Đồng quan điểm, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên Nguyễn Thái Học cũng cho rằng sự việc lãnh đạo nhiều hơn cán bộ tại Sở LĐ-TB-XH Hải Dương cần phải được xem xét lại, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu. Để tình trạng vậy thì lãnh đạo ai, ai lãnh đạo?
ĐB Nguyễn Thái Học. Ảnh: T.Hạnh |
“Chưa biết người đứng đầu đó có tiêu cực gì trong sắp xếp cán bộ hay không nhưng để một thực tế như thế người ta cho rằng yếu kém như thế thì phải xử lý trách nhiệm”, ông Học nói.
Mở rộng các địa phương khác, ông Học đề nghị Chính phủ phải rà soát xem cơ quan nào, bộ ngành nào, địa phương nào để xảy ra tình trạng này và đã xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa.
“Những tồn tại trong công tác cán bộ là cả một quá trình, giờ phải soát xét lại, chỉ đạo, chấn chỉnh khắc phục quyết liệt”, ông Học nêu.
Theo Thúy Hạnh - Thu Hằng (VietNamNet)