Khu biệt thự được cho là của ông Giang Văn Hiển (bố của Giang Kim Đạt) tại phường Bình An, Quận 2, TPHCM.Ảnh: Ngô Bình. |
Giải thích về những khó khăn trong thu hồi TSTN, các cơ quan chức năng thường nói là quy định của pháp luật còn nhiều lỗ hổng, tài sản đã bị tẩu tán, không làm rõ được. Tuy nhiên, qua trường hợp của bị can Giang Kim Đạt, một số ý kiến cho rằng, nếu quyết tâm chúng ta vẫn có thể làm rõ và truy tìm được nguồn gốc tài sản do tham nhũng mà có. Quan điểm của ông ra sao?
Rõ ràng, trong vụ việc của đối tượng Giang Kim Đạt, nhiều tài sản do đối tượng chiếm đoạt đã được chuyển hóa thành tài sản của người thân và chuyển dịch ra nước ngoài. Điều này, cơ quan chức năng đã điều tra và làm rõ một số vấn đề. Riêng tài sản mà Đạt đã chuyển dịch ra nước ngoài để mua nhà, tới đây Việt Nam và Singapore sẽ phối hợp thu hồi, trên cơ sở hai nước đã tham gia công ước về chống tham nhũng. Tôi nghĩ, điều này sẽ không gặp nhiều khó khăn.
Đối với việc chuyển hóa, tẩu tán TSTN sang cho người thân, nếu đúng là tài sản do đối tượng đã thực hiện hành vi tham nhũng mà có, thì chắc chắn sẽ phải quyết liệt thu hồi. Tuy nhiên, qua vụ việc cho thấy, đã đến lúc cần sửa đổi các quy định của luật pháp để bịt lỗ hổng trên. Bởi thông thường, sau khi thực hiện các hành vi tham nhũng, các đối tượng không đứng tên sở hữu khối tài sản đó. Chúng thường tìm cách tẩu tán tài sản bằng cách cho người thân như bố, mẹ, con cái đứng tên chủ sở hữu nhà cửa, đất đai, xe cộ…. Những người này lại không thuộc diện kê khai tài sản nên mới có tình trạng, quan chức đôi khi kê khai tài sản rất ít nhưng vợ, con, người thân tài sản lại rất nhiều. Đây chính là sơ hở cần bịt lại.
Theo tôi, cần bổ sung quy định cho phép cơ quan chức năng được quyền phong tỏa tài khoản của người thân đối tượng có dấu hiệu tham nhũng trong một thời gian nhất định. Như thế mới ngăn chặn được đối tượng tham nhũng khi thấy bị lộ thì tẩu tán tài sản cho người thân; hoặc người thân của đối tượng tìm cách tẩu tán TSTN cho những người khác, hoặc chuyển nó ra nước ngoài… Ở ta chính vì chưa có những quy định trên nên việc tẩu tán TSTN diễn ra hết sức dễ dàng. Thậm chí có đối tượng tham nhũng nhiều, nhưng tài sản đứng tên sở hữu thì chẳng có là bao.
Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội. |
Như vậy để thu hồi TSTN được hiệu quả thì điều quan trọng nhất vẫn là kiểm soát được tài sản và thu nhập của toàn xã hội, thưa ông.
Đúng là như thế. Và như tôi đã nói ở trên, ở nước ngoài họ kiểm soát tốt việc đó nên ai giàu lên một cách bất thường thì người ta biết ngay. Còn ở ta thì rất khó để biết. Có biết thì người ta khai là của ông, bà để lại và để chứng minh được đó đúng hay sai không phải là điều dễ. Do đó, thời gian tới theo tôi phải khẩn trương xây dựng được cơ chế để kiểm soát thu nhập của toàn thể xã hội. Khi chúng ta có được cơ chế kiểm soát thì những trường hợp “bỗng dưng” giàu lên, hoặc có tài sản bất minh thì cơ quan chức năng sẽ biết ngay.
Để phòng chống tham nhũng nói chung và thu hồi TSTN nói riêng được hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, nên cho phép thực hiện các điều tra đặc biệt đối với tội phạm tham nhũng để ngăn chặn, xử lý, cũng như tránh nguy cơ tẩu tán tài sản?
Đúng là hiện nay do quy định của mình còn lỏng lẻo quá nên khi phát hiện ra dấu hiệu của đối tượng tham nhũng, tiến hành khởi tố, bắt tạm giam thì tài sản đã bị chuyển hóa, bốc hơi đi hết rồi, không thể thu hồi được. Do đó, việc quy định biện pháp điều tra đặc biệt cũng cần được đặt ra để nghiên cứu. Tuy nhiên, cái gì cũng có tính hai mặt của nó cả. Quy định thì chắc chắn sẽ tạo thuận lợi để cơ quan chức năng phát hiện ra đối tượng tham nhũng và ngăn chặn việc tẩu tán tài sản.
Nhưng mặt khác nó cũng có thể ảnh hưởng đến quyền công dân. Vì thế, phải làm sao hài hòa được cả hai yếu tố, tức là vừa phục vụ tốt cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nhưng vẫn bảo đảm được quyền, lợi ích của người dân. Cụ thể chúng ta có thể quy định theo hướng, khi phát hiện có dấu hiệu phạm tội tham nhũng qua thanh tra, qua điều tra thì ngay lập tức cho phép áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt, biện pháp khẩn cấp.
Chúng thường tìm cách tẩu tán tài sản bằng cách cho người thân như bố, mẹ, con cái đứng tên chủ sở hữu nhà cửa, đất đai, xe cộ…. Những người này lại không thuộc diện kê khai tài sản nên mới có tình trạng, quan chức đôi khi kê khai tài sản rất ít nhưng vợ, con, người thân tài sản lại rất nhiều. Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội |