Kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm 2013, có một người đàn ông mặc chiếc áo công nhân đã sờn vai chở con gái đi thi trên chiếc xe gắn máy cũ mèm, lúc đó đã có rất nhiều người nhìn hai cha con với thái độ dè bỉu, một phụ huynh nọ lên tiếng hỏi:
- Anh chạy xe ôm phải không?
Người đàn ông từ tốn trả lời:
- Dạ đúng, tôi chạy xe ôm.
Phụ huynh nọ hỏi tiếp:
- Con anh học trường nào?
Người đàn ông khiêm tốn trả lời:
- Dạ, con tui học trường THCS H. (quận 7).
Vị phụ huynh cười mỉa mai:
- À! Cái trường dưới Nhà Bè đó hả, con anh học trường dưới đó mà anh chở đi thi chi mất công!
Người đàn ông không tỏ ra khó chịu, chỉ hỏi lại:
- Anh chị cho tui hỏi thăm, vậy con anh chị học môn hoá ở trường được bao nhiêu phẩy?
Các vị phụ huynh tự hào nói: "Con tôi học giỏi lắm, được 8,9" - "Con tôi được 9,1"..."Con tôi học trường điểm của thành phố".
Người đàn ông mỉm cười:
- Dạ vậy à, con tui được 9,6 nhưng lúc nào tui cũng động viên cháu như vậy là chưa giỏi đâu, phải cố gắng hơn.
Năm đó môn Hoá không có giải nhất, con của người đàn ông nghèo được giải 3 toàn thành phố.
"Dù còn một sợi tóc mà người ta mua, ba cũng bán để cứu con!"
Câu chuyện về hai bố con người đàn ông nghèo kể trên là câu chuyện hoàn toàn có thật của bố con chú Trần Trọng Quân (1960) và con gái Trần Thị Ngọc Anh (1999), cũng là kỷ niệm luôn khiến chú Quân cảm thấy chạnh lòng mỗi khi nhắc lại.
Trước đây gia đình chú Quân thuộc diện khá giả bởi hai vợ chồng đều có công việc ổn định và mức thu nhập tốt. Thế nhưng đến khi cô con gái thứ hai là Phương Anh (2003) phát bệnh suy tuỷ, toàn bộ số tiền mà hai vợ chồng tích góp được đều tiêu tan, chưa kể phải bán đi nhiều tài sản để có thể chữa chạy cho con.
"Dù chỉ còn 1 sợi tóc mà người ta mua, ba cũng bán để cứu con", chú đã khẳng định như vậy với con gái, để con hiểu rằng dù không còn gì để bán chú vẫn sẽ luôn cố gắng giữ con ở lại bên mình" - chú Quân kể lại.
Thời điểm đó, chú vừa đi làm văn phòng, tranh thủ buổi trưa chú thay đồ để đi hàn sắt kiếm thêm tiền, rồi tối về chạy xe ôm để cải thiện bữa cơm cho gia đình. Nỗ lực hết sức, may mắn Phương Anh cũng vượt qua được căn bệnh hiểm nghèo. Nhưng vì làm việc quá sức nên chú Quân bị nhồi máu cơ tim, suýt nữa thì không giữ được tính mạng. Từ dạo đó sức khoẻ chú yếu hẳn, không thể đi làm bình thường được chỉ có thể lãnh vé số về bán kiếm qua ngày.
Những đoá hoa sen vươn lên từ bùn đất
Gia đình 5 con người phải sống tạm bợ trong một ngôi nhà lụp xụp được dựng bằng tôn cũ và gỗ vụn ở sâu trong một con hẻm ở quận 7. Con cống nước thải cạnh nhà bốc mùi hôi thối không thể chịu nổi, nhưng phải chấp nhận bởi đâu đủ tiền để thuê chỗ khác khang trang hơn.
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, 3 cô con gái của chú Quân lần lượt là Ngọc Anh, Phương Anh, Lan Anh đều đạt được thành tích cao trong học tập. Ngọc Anh hiện là sinh viên năm 2 của trường Đại học Bách khoa TP.HCM, trước đây em từng 2 lần đạt giải 3 cấp thành phố môn Hoá học. Phương Anh năm nay lên lớp 12, em từng đạt giải nhì toàn thành bộ môn cờ tướng. Lan Anh năm nay lên lớp 9, em từng đạt thành tích cao trong môn cờ tướng và nhận học bổng 50% du học tại Canada và Thái Lan.
"Chú không có thói quen khen các con. Dù chú biết để đạt được những điểm số đó là không hề dễ dàng, nhưng lúc nào chú cũng động viên: các con học vậy là tốt rồi, nhưng vẫn có thể học giỏi hơn nữa. Và dù mình không thông minh, nhưng chỉ cần cần cù thì có thể giỏi bằng những người khác" - chú Quân luôn dành thời gian để quan sát và theo dõi tình hình học tập của các con.
Có những lúc gia đình không có nổi tiền để đóng học phí, chú Quân phải nhịn bớt tiền ăn để con có thể tiếp tục đến trường. Có lần người hàng xóm bảo: con gái thì đầu tư học hành làm gì, trước sau gì lớn lên cũng đi lấy chồng rồi đẻ con thôi. Chú Quân thẳng thắn nói: "Tôi luôn tâm niệm dù có nghèo cỡ nào cũng phải cho con ăn học đến nơi đến chốn. Không mong con cái trở nên giàu có, chỉ mong các con có thể phân biệt được cái đúng cái sai, để làm một con người. Mình nghèo tiền nghèo bạc, chứ tấm áo mình mặc tuyệt đối không hôi".
Gia tài khổng lồ trong căn nhà lụp xụp
Khó khăn là vậy nhưng chẳng bao giờ chú Quân than vãn hay bi quan, bởi với chú cuộc đời luôn công bằng, nó chẳng lấy đi tất cả của ai bao giờ. Như chú chẳng hạn đúng là có những lúc rơi vào thiếu thốn cùng cực, nhưng ít nhất là sau lần bị nhồi máu cơ tim chú vẫn còn sống, vẫn có thể đi bán vé số để duy trì cuộc sống.
Chú cười bảo: "Với lại con chú học giỏi là nhờ ăn rau muống, mắm cà... sinh ra trong cái nghèo nên các con biết cố gắng hơn". Cũng có thể là chú đúng, hoặc không hoàn toàn, nhưng tôi nhìn thấy niềm vui, sự hy vọng trong đôi mắt của người đàn ông này khi kể về những đứa con. Đúng là ông trời đâu có lấy hết của ai bao giờ.
Hôm trước Ngọc Anh tâm sự với bố rằng hiện tại em không thể mượn laptop của bạn để làm bài được nữa vì lên năm hai bài vở của ai cũng nhiều, chú Quân suy nghĩ hồi lâu rồi nói: "Nếu thật sự cần thiết thì phải bán chiếc xe của mẹ để mua latop rồi mình mua lại chiếc xe cũ hơn cho mẹ đi làm, nhưng chuyện này hai ba con mình biết thôi, con đừng nói mẹ kẻo mẹ buồn".
Gian nan vẫn còn rất nhiều ở phía trước, bởi con đường học của Ngọc Anh, Phương Anh, Lan Anh vẫn còn dài. Thế nhưng dù những nhiệm màu không tồn tại, thì sự nỗ lực sẽ luôn làm nên điều kỳ diệu.
Theo Toàn Nguyễn (Trí Thức Trẻ)