Giảm đề tài nghiên cứu cất ngăn kéo
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Phòng Thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội - người lọt vào top 10.000 nhà khoa học có ảnh hưởng hàng đầu thế giới và đứng đầu trong danh sách các nhà khoa học đang làm việc ở Việt Nam theo bảng xếp hạng của tạp chí Mỹ PLoS Biology, cho rằng, hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) thời gian qua đã có những bước phát triển đột phá rất đáng tự hào, trong đó có công bố quốc gia của Việt Nam trong năm vừa qua tăng vượt bậc, bằng số liệu các công bố của 5 năm trước cộng lại.
Tuy vậy, GS. Đức nhận định, vẫn còn những hạn chế, thiếu sót. Bên cạnh các đề tài đi vào cuộc sống, hiệu quả, vẫn còn một số đề tài cất vào ngăn kéo, tính ứng dụng chưa cao, chưa đạt về tầm khoa học và chưa thực sự có kết quả như mong đợi. Nhiều tiêu chí đánh giá trong hoạt động KHCN chưa tiếp cận chuẩn mực của thế giới. Nguồn lực rất lớn, chi phí đầu tư cho trang thiết bị rất lớn, nhưng có những phòng thí nghiệm, những nghiên cứu còn chưa hiệu quả. Nguyên nhân là đầu tư nguồn lực còn dàn trải, không đồng bộ và nhỏ giọt. Điều này dẫn đến sự lãng phí nguồn lực.
Ông nói. “Nghiên cứu khoa học cơ bản như nền móng của một ngôi nhà, móng vững chắc mới có ngôi nhà vững chắc. Cho nên một mặt phải đầu tư nghiên cứu ứng dụng nhiều hơn, đưa khoa học vào thực tiễn KHCN chính là động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhưng mặt khác, phải chú trọng nghiên cứu khoa học cơ bản”.
Giá trị cốt lõi là nhân tài
Theo GS. Đức, vấn đề then chốt cho sự phát triển của quốc gia, trong đó có phát triển hoạt động KHCN là chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân tài. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách cụ thể và mạnh mẽ hơn nữa để thu hút và trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực KHCN. Đây cũng chính là cốt lõi để xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh trong các trường đại học và viện nghiên cứu. Từ đó, họ sẽ phát minh ra các công nghệ mới, kỹ thuật mới, tạo ra những sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao trên thế giới và thúc đẩy khởi nghiệp của quốc gia.
Hơn lúc nào hết, nghiên cứu khoa học phải gắn kết chặt chẽ với đào tạo. Do đó, Nhà nước cần chú trọng hơn nữa đào tạo nhân lực chất lượng cao theo các chuẩn đầu ra hội nhập với khu vực và thế giới, đồng thời đẩy mạnh việc phát hiện, thu hút, đào tạo nhân tài từ ngay trong trường đại học. “Theo tôi, bên cạnh đổi mới mạnh mẽ hoạt động KHCN, phải đặc biệt chú trọng đổi mới giáo dục đại học”, GS. Đức nói.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, GS. Đức cho rằng, phải xác định các hướng mũi nhọn ưu tiên để tập trung đầu tư phát triển vì nguồn lực có hạn. Đó là công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, công nghệ sinh học, tự động hóa… Bất cứ hoạt động KHCN nào trong thời gian tới cũng phải lường tới những từ khóa như số hóa và thông minh.
“Chúng ta đều hiểu KHCN là then chốt, là chiếc đũa thần để dân tộc ta có thể nắm bắt những cơ hội bứt phá vươn lên, nhưng cũng còn có rất nhiều hạn chế về cơ chế, chính sách. Chúng ta đã từng có Khoán 100, Khoán 10 và tạo ra những bước nhảy vọt thần kỳ trong nông nghiệp. Chúng ta cần lắm một cơ chế “Khoán 10” trong hoạt động KHCN để kích thích được các nhà khoa học, mọi tổ chức, cá nhân có thể phát huy cao nhất trí tuệ và nội lực của mình, có thể huy động tốt nhất mọi nguồn lực một cách năng động và sáng tạo để cống hiến cho khoa học và cho sự phát triển, chấn hưng đất nước”, ông Đức nói.
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)