Cần tiếp tục đàm phán với Trung Quốc
Việc hình thành nhiều hồ chứa thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Đà, sông Hồng (đoạn từ Lào Cai về Phú Thọ gọi là sông Thao) gây những khó khăn cho dự báo thủy văn.
Lũ trên sông Hồng (ở TP Lào Cai) đã rút nhanh - Ảnh: Hồng Thảo |
Theo đó, phía Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam số liệu mùa lũ của một số trạm thủy văn sát biên giới Việt Nam trên sông Đà (3 trạm), sông Hồng (2 trạm) từ ngày 1-6 đến 15-10 hằng năm.
Việt Nam cung cấp số liệu 3 trạm ở sông Kỳ Cùng ở Lạng Sơn cho Trung Quốc. Số liệu được Trung Quốc gửi hằng ngày cho Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương.
Tuy nhiên, số liệu quan trắc gửi mười hai tiếng một lần (7 giờ sáng và 7 giờ tối) vào email không đủ thời gian ra bản tin cảnh báo nếu có sự biến đổi mạnh về lưu lượng từ trước khi cung cấp khiến việc ra bản tin dự báo, cảnh báo của phía Việt Nam bị động, khó khăn do số liệu đứt quãng, không được biết sớm hơn.
Ngoài việc thông báo lưu lượng nước theo thời gian quy ước, phía Trung Quốc không cung cấp các thông tin về xả lũ, vận hành hồ thủy điện. Chỉ có một lần vào năm 2006, phía Trung Quốc cũng chỉ gọi điện thông báo xả lũ để Việt Nam đề phòng nhưng có thông tin cho rằng lần đó là vỡ đập.
Việc Trung Quốc chỉ cung cấp số liệu quan trắc mà không thông báo trước việc xả lũ gây khó khăn cho dự báo thủy văn ở sông Hồng.
Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục đàm phán để phía Trung Quốc cung cấp quy trình vận hành các hồ chứa và mỗi lần xả lũ họ cần báo sớm cho phía Việt Nam chủ động phòng tránh.
Phải có quy định ràng buộc trách nhiệm
Nước chảy cuồn cuộn dưới chân cầu Phố Mới, bắc qua sông Hồng, thành phố Lào Cai - Ảnh: Phạm Ngọc Triển |
Ví như trong việc xả lũ vừa qua của Trung Quốc, mặc dù có thông báo lưu lượng xả 2.500 m3/s, việc thông báo, thông tin giữa các cơ quan khí tượng tượng thủy văn về tình hình thời tiết, bão lũ, xả lũ như vậy là rất cần, nhưng cũng chỉ là bước đầu của cơ chế phối hợp.
Tôi cho rằng cơ chế phối hợp này phải đặt thành quy định cụ thể với nhau để các tỉnh ven sông Hồng có thể chủ động thông tin cho nhau, có trách nhiệm thông tin cho nhau, từ đó hình thành cơ chế ràng buộc trách nhiệm khi thực hiện.
Tại sao phải có quy định ràng buộc trách nhiệm vì như đợt xả lũ vừa qua với lưu lượng không lớn, có thể không ảnh hưởng lớn, không gây nguy hiểm lớn, nhưng đặt tình huống việc xả lũ này đang trong thời điểm mùa lũ vào tháng 6, tháng 7 thì sao, khi đó nước lũ trên sông Hồng đang lên cao, việc xả thêm mấy nghìn m3/s sẽ thành vấn đề lớn.
Tôi cho rằng với những nước có chung dòng sông cần phải theo nguyên tắc của các nước ven sông.
Đó là hình thành những cơ chế, quy định cụ thể về trách nhiệm giữa các nước, ví như ở thượng nguồn sông có vấn đề gì thì những nước ven sông ở thượng nguồn sông thông báo cho những nước ở hạ du.
Như trong mùa lũ, khi thượng nguồn xả lũ trong điều kiện lũ ở hạ lưu đang dâng cao, khi đó chính cơ chế phối hợp sẽ giúp việc phản hồi, điều hành giảm bớt lưu lượng xả lũ.
Không có thông báo xả lũ từ Trung Quốc Theo bà Đặng Thanh Mai - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương (NCHMF), đợt lũ trên sông Hồng từ ngày 11-10 tương đối lớn, là đợt lũ khá bất thường khi đã vào cuối mùa mưa. NCHMF chỉ nhận được thông tin về lưu lượng lũ, không có thông báo xả lũ từ phía Trung Quốc nên chỉ nhận định được rằng đợt lũ này là do kết hợp mưa lớn trên lưu vực sông Hồng, sông Đà và do lưu lượng bất thường ở Trung Quốc tràn về. Từ 7g sáng, NCHMF đã có thông tin cảnh báo lũ trên sông Hồng để chính quyền, người dân có biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra. T.PHÙNG |