Sáng nay, UB TVQH họp phiên thứ 23 cho ý kiến dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Liên quan đến thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Tổng TTCP Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ chọn phương án 1: TTCP tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên ở tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Cơ quan thanh tra hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ nơi không có cơ quan thanh tra tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở TƯ, thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập đối với những người có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,9 công tác tại cơ quan, tổ chức, địa phương mình.
Thẩm tra dự thảo, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, một số ý kiến của UB đồng ý với đề xuất của Chính phủ.
Tuy nhiên, đa số ý kiến cơ quan thẩm tra lại chọn phương án 2. Theo đó, TTCP kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương.
Người có nghĩa vụ kê khai khác công tác tại các cơ quan này thì giao cho thanh tra hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ nơi không có cơ quan thanh tra của cơ quan, đơn vị đó, thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập.
“Nếu tập trung đầu mối kiểm soát tài sản, thu nhập cho hệ thống cơ quan thanh tra như phương án 1 sẽ dẫn đến quá tải với cơ quan này trong trường hợp không bổ sung thêm biên chế, bộ máy. Ngược lại nếu bổ sung thêm biên chế, bộ máy thì lại không thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Đảng về tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức”, bà Nga nói.
Theo Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc, không nên vì tiết kiệm biên chế mà không thành lập cơ quan chuyên kiểm tra tài sản, thu nhập.
“Cán bộ của ta không phải nghèo nhưng kê khai thì rất nghèo. Cho nên cần có cơ quan thẩm tra. Cơ quan này nên độc lập tương đối thì mới khách quan được”, ông Phúc nói.
Theo ông, việc giao cho cơ quan nào, thanh tra, tài chính hay Chính phủ thì tiếp tục bàn, nhưng vấn đề quan trọng là đã kê khai thì khi bầu, bổ nhiệm phải có thẩm tra.
Trong khi đó, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định lại không đồng tình với cả 2 phương án.
“Cơ quan thanh tra thuộc hệ thống hành chính nhưng lại kiểm soát cả những anh không cùng hệ thống như QH, Tòa án, Viện kiểm sát, Kiểm toán khiến hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập của cơ quan thanh tra gặp khó khăn. Thủ tục, trình tự xử lý vụ việc sẽ phức tạp, mất nhiều thời gian”, ông Định nói.
Ông kiến nghị, kết hợp quy định hiện hành với việc giao cơ quan Thanh tra là đầu mối giúp Chính phủ thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCTN, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý tài sản, thu nhập.
Giải trình làm rõ, Tổng TTCP Lê Minh Khái cho biết, từ đánh giá tổng kết 10 năm thi hành luật PCTN có rất nhiều tồn tại, hạn chế khi kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập như năm 2017 chỉ xác minh được 78 trường hợp, phát hiện 5 trường hợp vi phạm.
Tiếp thu các ý kiến, ông Khái cho biết sẽ có những giải trình, làm rõ thêm báo cáo đánh giá tác động để ĐBQH thảo luận cho ý kiến.
Không mặc nhiên coi tài sản không giải trình được là tham nhũng
Một trong điểm mới của dự thảo luật trình ra phiên họp lần này là bổ sung điều 59 quy định về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.
Chính phủ đề xuất 2 phương án và lựa chọn phương án 1. Cụ thể, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân.
Đồng thời, dự thảo luật sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân (bổ sung điều 18a và điểm g khoản 2 điều 23), quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập chịu thuế do vi phạm quy định của luật PCTN (điều 123 của dự thảo luật).
Theo Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga, đối với tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc thì đến nay pháp luật vẫn chưa có quy định xử lý, trong khi không loại trừ một số tài sản này có thể có nguồn gốc từ tham nhũng, từ vi phạm pháp luật nhưng Nhà nước chưa chứng minh được.
Theo UB Tư pháp, người dân nước ta có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế trong gia đình; tài sản của cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau (ngoài thu nhập từ lương thì nhiều người còn làm thêm để tăng thu nhập dưới nhiều hình thức).
Trong khi Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn; chưa quy định đánh thuế đối với tài sản....
Chủ nhiệm UB Tư pháp cho rằng, trong bối cảnh đó, việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề rất phức tạp.
“Về mặt pháp lý không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu bằng biện pháp hình sự theo hướng 'suy đoán có tội'”, bà Nga nói.
Theo Hương Quỳnh (VietNamNet)