- Đầu tháng 1/2017, thành phố Hà Nội dự kiến sẽ ban hành Bộ Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, trong đó quy định rõ những việc công chức nên làm và không nên làm khi đến công sở. Theo ông, có nhất thiết phải ban hành Bộ Quy tắc ứng xử dành riêng cho cán bộ, công chức hay không?
- Tôi đồng tình với việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức. Tuy nhiên, bộ quy tắc này ngoài việc nêu ra nguyên tắc chung nhất, thì cũng cần phải cụ thể hóa cho từng cơ quan, bởi mỗi cơ quan có công việc khác nhau, có hoạt động, hành vi khác nhau. Thực tế thì hành vi của mỗi người phụ thuộc vào đặc tính, tính chất hoạt động của mỗi tổ chức khác nhau. Ví dụ như hoạt động của cơ quan báo chí, xuất bản và cán bộ nghiên cứu khoa học rất khác nhau.
Hà Nội dự kiến từ đầu năm 2017 sẽ áp dụng Bộ Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức |
- Quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, ông thấy cách ứng xử, giao tiếp, ăn mặc của cán bộ, công chức thành phố Hà Nội hiện nay thế nào?
- Cũng có hiện tượng nhân dân có kêu ca, phàn nàn, thậm chí báo chí cũng nêu về hành vi của một số cán bộ, công chức chưa được chuẩn mực. Nghĩa là cách ứng xử của một bộ phận cán bộ, công chức cũng có vấn đề. Do vậy, theo tôi để xây dựng bộ quy tắc ứng xử thì Hà Nội cần điều tra, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp để biết được thái độ của công chức, viên chức hiện nay thế nào. Bởi mục tiêu của chúng ta phải biết rõ là làm hài lòng người dân về vấn đề gì, từ đó mới đưa vào trong bộ quy tắc những nội dung, quy chế bắt buộc công chức phải thực hiện.
Thực ra, tôi thấy quy định về cách ứng xử của cán bộ, công chức thì không thiếu, vấn đề là cụ thể nó trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng cấp như thế nào cho hiệu quả mà thôi. Để làm được điều đó, Hà Nội phải nghiên cứu rất kỹ, từ đó mới đưa ra một quy chế giám sát, quy chế để kiểm soát trong quá trình thực hiện. Có như vậy mới không chạy theo phong trào, nói thì rất hay, quy định rất đầy đủ nhưng trong thực tiễn lại không làm đến nơi, đến chốn.
- Trước đây nhiều cơ quan đưa cán bộ, công chức đi học giao tiếp, ứng xử, thâm chí là phải mỉm cười khi tiếp xúc với dân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay người dân, doanh nghiệp vẫn rất ngại khi đi làm các thủ tục hành chính vì nhiều cán bộ, công chức vẫn giữ thái đội quan liêu?
- Đúng là như vậy! Rõ ràng việc đưa ra Bộ Quy tắc ứng xử là Hà Nội mong muốn đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng tốt lên.
Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, nhưng chứa đựng trong các mối quan hệ bao giờ cũng là lợi ích. Chỉ khi nào các mối quan hệ không xen lẫn nhu cầu về lợi ích thì thái độ trong giao tiếp, ứng xử của công chức với người dân, doanh nghiệp mới khác đi. Những vấn đề này cần phải nghiên cứu, từng bước thay đổi, đến khi người dân vào các cơ quan cảm thấy minh bạch, bình đẳng trong công việc.
Bộ Quy tắc chỉ đưa ra các vấn đề công chức nên và không nên thực hiện chứ không có chế tài xử lý cán bộ, công chức phạm quy. Vì vậy, nhiều người cho rằng, rất khó để cán bộ, công chức Hà Nội thực hiện nghiêm những “lời khuyên” đó?
Chúng ta không thiếu quy định và kinh nghiệm trong vấn đề này, nhưng cái quan trọng nhất ở đây là việc tổ chức thực hiện nó thế nào. Để áp dụng được Bộ Quy tắc này cần phải có điều kiện để thực hiện nó. Tôi thấy, Hà Nội đã đưa ra yêu cầu, mục tiêu rất tốt, nhưng trên cơ sở chung như vậy thì phải có cơ chế buộc các cơ quan thực hiện. Bởi mọi cái tự giác đều bắt nguồn từ không tự giác, vì vậy cần phải có biện pháp tổ chức, kiểm tra thì mới giải quyết được.
- Trong Bộ Quy tắc khuyến cáo công chức Hà Nội nên ăn mặc lịch sự, gọn gàng khi đến công sở (trang phục công sở lịch sự, mặc váy dài đến gối) và không xăm hình, vẽ hình phản cảm. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Theo tôi ăn mặc phải đa dạng, không cứng nhắc, tùy thuộc quan điểm từng người và đặc trưng từng cơ quan, nhưng tất nhiên là không được quá phản cảm. Ví dụ như cô giáo đến lớp thì mặc thế nào cho phù hợp; anh đến công sở thì anh ăn mặc thế nào; anh làm trong lĩnh vực nghệ thuật cũng có phong cách ăn mặc riêng. Như ở bên Đức, khi chúng tôi sang đó nghiên cứu thì thấy rằng sinh viên lên giảng đường thì có thể mặc quần bò, áo phông, nhưng vào phòng thi thì phải mặc áo vét và thắt cà vạt. Nếu không thực hiện như vậy giảng viên không chấp nhận, đưa ra khỏi phòng.
Theo tôi thì với cán bộ, công chức không nên xăm hình, vẽ hình phản cảm lên người. Trong Luật Cán bộ, công chức quy định rất rõ, cán bộ công, chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Xăm hình, theo tôi khi không có quy định trong luật thì đưa vào quy chế đối với cán bộ công chức là phù hợp.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Quang Phong (Dân Trí)