Theo ông Nguyễn Túc - ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN, việc xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự có thể chỉ là vấn đề thời gian và thủ tục.
Ông Võ Kim Cự - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Liên quan vi phạm nghiêm trọng trong sự cố môi trường biển của Formosa, Ban bí thư đã quyết định các hình thức kỷ luật Đảng đối với Ban cán sự đảng Bộ TN - MT gồm các ông Nguyễn Minh Quang, Bùi Cách Tuyến, Nguyễn Thái Lai, Võ Kim Cự.
Đồng thời, Ban Bí thư đã yêu cầu Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo thi hành kỷ luật hành chính tương ứng với 4 vị này.
Giải thích với phóng viên tối 21-4, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Văn Nên cho biết việc kỷ luật hành chính tương đương là xử lý đối với chức vụ các ông nêu trên nắm giữ trong thời điểm vi phạm kỷ luật.
Ví dụ, đối với ông Võ Kim Cự là chức danh chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn đó.
Theo thông lệ, người bị cảnh cáo về mặt Đảng khi đang nắm giữ chức vụ nhà nước thì buộc phải rời khỏi chức vụ đó, bị cách chức về mặt Đảng thì đương nhiên bị cách chức vụ nhà nước. Như vậy, ông Võ Kim Cự sẽ bị cách chức nguyên chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Phóng viên cũng đặt câu hỏi với Phó trưởng Ban Tổ chức trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy: Ủy ban Thường vụ Quốc hội có tiến hành xem xét để trình Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự không?
Ông Túy nói rằng theo quy định, ông Cự thuộc diện Ban Bí thư quản lý, do đó Đảng đoàn Quốc hội sẽ thực hiện theo các thông báo của Ban Bí thư.
“Tới đây, nếu Ban Bí thư có thông báo đến Đảng đoàn Quốc hội thì Đảng đoàn Quốc hội sẽ họp để xem xét” - ông Túy nói.
Ông Nguyễn Túc - ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN, chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về xã hội của MTTQ - cũng cho biết nếu có thông báo của Ban Bí thư thì Đảng đoàn MTTQ VN cũng sẽ họp để xem xét kỷ luật.
Hiện tại, ông Võ Kim Cự đang là ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN, chủ tịch Liên minh HTX VN.
Ông Túc nhận định với mức độ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, bị cách hết các chức vụ như nguyên bí thư tỉnh ủy, nguyên chủ tịch UBND tỉnh, tức là đã mất uy tín trong Đảng thì khó mà còn uy tín với dân.
Việc xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự có thể chỉ là vấn đề thời gian và thủ tục.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng các cơ quan có trách nhiệm của Quốc hội cần chủ động xem xét tư cách đại biểu của ông Võ Kim Cự, bởi đã đủ điều kiện để tiến hành việc này.
“Một người đã bị Đảng kết luận là vi phạm nghiêm trọng, đến nguyên bí thư tỉnh ủy còn bị cách thì không thể xứng đáng là đại diện cho dân nữa.
Hơn nữa, khi khai hồ sơ ứng cử, chắc chắn ông Cự khai là chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật thì nay với những kết luận như vậy, có thể khẳng định ông Cự khai không trung thực. Một người đã không trung thực thì không thể đại diện cho dân ở Quốc hội” - ông Nhưỡng phân tích.
Cũng trao đổi với phóng viên ngày 21-4, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật - người đã nhiều lần phát biểu gay gắt trước Quốc hội về các vấn đề liên quan đến Formosa - nói rằng ông thấy buồn và đau xót.
“Formosa là sự cố ngoài mong muốn, ngay cả với những người bị Ban Bí thư kỷ luật hôm nay. Tất nhiên là ai làm sai, sai đến đâu thì người đó phải chịu kỷ luật tương xứng. Nhưng điều quan trọng là sau sự việc này để lại bài học gì?
Tôi cho rằng sự việc đau lòng này để lại cho chúng ta bài học: đã là cán bộ, công chức thì phải chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật, chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.
Khi quyết định một dự án hay chính sách nào đó thì hãy nghĩ đến lợi ích chung, đừng chỉ nghĩ đến lợi ích cục bộ của cá nhân, của nhóm, của địa phương mình mà bỏ qua những quy định, quy trình bắt buộc cũng như những lời góp ý, cảnh báo, phản biện.
Sự phát triển bền vững của đất nước, cuộc sống yên bình của nhân dân phải được đặt lên trên hết” - ông Thuật tâm sự.
Thủ tục bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội như thế nào? Điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội quy định việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội như sau: “1. Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm; 2. Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành; 3. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định”. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này trình tự để cử tri bãi nhiệm tư cách ĐBQH chưa được quy định. Các trường hợp Quốc hội bãi nhiệm tư cách ĐBQH gần đây đều được tiến hành theo các bước: thứ nhất, MTTQ VN (trung ương hoặc địa phương) nơi hiệp thương giới thiệu đại biểu đó ứng cử có văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết đề nghị Quốc hội xem xét tư cách đại biểu Quốc hội; cuối cùng là Quốc hội thảo luận, bỏ phiếu và thông qua nghị quyết bãi nhiệm tư cách ĐBQH của người được đề nghị. |
Theo Lê Kiên (Tuổi Trẻ)