Việc cấm xe máy không chỉ ảnh hưởng đến đời sống mà còn xúc phạm đến 80-90% dân số, đặc biệt là người thu nhập thấp.
TS Phạm Sanh (chuyên gia giao thông-đô thị) cho rằng, nếu cấm xe máy thì người dân sẽ không có phương tiện giao thông để đi lại trong khi có đến 80-90% dân số đi lại bằng xe máy, bởi hiện tại phương tiện công cộng ở TPHCM chưa thể đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời việc di chuyển bằng xe buýt cũng có nguy cơ trễ giờ làm, giờ học… gây bức xúc cho người dân.
Xe máy đang bị cho là thủ phạm gây kẹt xe |
Mặt khác, nếu cấm xe máy thì người có điều kiện sẽ đổ xô mua ô tô như vậy dẫn đến sự lộn xộn, đi từ bất cập này qua một rối loạn khác.
Cần phải coi lại là cấm hay hạn chế thì phải coi lại, đánh vào túi tiền của người dân thì cũng không được bởi nhu cầu đi lại làm việc, học hành thì bằng mọi cách người dân vẫn sử dụng xe máy.
Trước hết cẩn phải giải quyết nhu cầu đi lại của người dân sao cho tốt hơn bằng phương tiện công cộng thì người dân sẵn sàng bỏ xe hai bánh, thậm chí vận động tốt thì người dân cũng sẵn sàng bỏ xe 4 bánh.
Tuy nhiên, cần phải kiểm soát nhu cầu đi lại và giúp nhu cầu đi lại của người dân tốt hơn, hiệu quả hơn bằng xe công cộng. Nếu có suy nghĩ cấm xe máy, người dân sẽ đi xe buýt lầ suy nghĩ khôi hài bởi nếu xe buýt không đáp ứng được nhu cầu, không vệ sinh thì người dân không đi mà sẽ đi taxi hoặc mua xe 4 bánh. Phải khảo sắt chắc nhu cầu đi lại và kết hợp với quy hoạch đô thị, giao thông thì mới giảm được kẹt xe.
Xe buýt bị xe máy bao vây |
Phải khảo sát chắc nhu cầu đi lại và kết hợp với bài toán quy hoạch và quản lý đô thị, phải chuyên nghiệp. Quy hoạch lộn xộn thì bài toán giao thông không thể giải quyết được.
“Đầu tiên khảo sát nhu cầu, kết hợp quản lý đô thị, sử dụng đất phân khu chức năng… phải có kịch bản dự báo, tính toán trước khi thực hiện, có nhiều lộ trình trước mắt, lâu dài, áp dụng giao thông thông minh… Không nên cấm ai hết bởi không ai rảnh mua xe 2 bánh để chạy vòng vòng đi chơi. Đó là nhu cầu của 80-90% người dân. Nói cấm xe máy là xúc phạm tới người dân, đặc biệt là người dân thu nhập thấp”, TS Phạm Sanh nói.
TS Phạm Sanh cho rằng nói cấm xe máy là xúc phạm 80-90% dân số |
Đồng quan điểm, TS. KTS Nguyễn Thiềm cho rằng, để chống kẹt xe mà cấm xe máy là giải pháp không bền vững. Bởi đặc thù của TPHCM là các tuyến phố hình bàn cờ và nhà hẻm rất nhiều. Có những con hẻm để kết nối được ra đường chính rất dài nên xe máy đóng vai trò rất quan trọng trong việc lưu thông của người dân.
Bên cạnh đó, thay vì cấm xe máy vào thành phố thì cần xem lại quy hoạch bởi trung tâm thành phố quá nhiều nhà cao tầng, tòa nhà văn phòng… hạn chế xây dựng nhà cao tầng ở trung tâm và nhà mặt tiền đâm thẳng ra đường lớn.
Theo Ngô Bình (Tiền Phong)