Những trường đã trình phương thức tuyển sinh riêng lo lắng bởi số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển cao gấp nhiều lần so với chỉ tiêu tuyển sinh.
Quyết định này khiến những trường đã trình phương thức tuyển sinh riêng theo yêu cầu của Sở trước đó bất ngờ và lo lắng bởi vẫn chưa tìm được phương thức tuyển sinh nào phù hợp khi số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển cao gấp nhiều lần so với chỉ tiêu tuyển sinh.
Ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: “Có 3 trường đưa ra hình thức, phương thức xét chọn học sinh vào khác, tức là kết hợp xét tuyển với việc đánh giá năng lực người học. Đây là những phương thức mới và cũng cần được có thời gian thử nghiệm và kiểm tra. Cho nên sau khi các trường đưa ra dự kiến và qua dư luận, đặc biệt là nghiên cứu quyết định lại thì thấy rằng, những phương thức này cần phải có những việc đối chứng kiểm tra. Cho nên sau đó Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quyết định thực hiện nghiêm túc văn bản của Bộ và yêu cầu tất cả các trường THCS trên địa bàn thành phố phải thực hiện phương thức xét tuyển”.
Theo Giáo sư Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THCS Lương Thế Vinh, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cấm thi tuyển sinh vào đầu cấp nhằm giảm tải áp lực học hành và chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm là hoàn toàn hợp lý, nhưng lại quá cứng nhắc khi áp dụng với một số trường có số lượng hồ sơ tuyển lớn.
Đó là những trường chuyên, trường tư thục chất lượng cao, trong khi số lượng các trường này ở các tỉnh, thành phố rất ít, nhiều nhất là ở Hà Nội thì cũng chỉ có 6 trường thu hút sự quan tâm của những học sinh có học lực giỏi. Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có một trường, thành phố Đà Nẵng một trường...
Ở những trường này, do số lượng thí sinh đăng ký lớn hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh, nên để lựa chọn được học sinh thực sự giỏi, buộc phải tổ chức thi tuyển. Giáo sư Văn Như Cương phân tích, toàn thành phố Hà Nội có 620 trường THCS và trường phổ thông có bậc THCS, nhưng chỉ có 6 trường có đề án xin cơ chế tuyển sinh riêng, chiếm 1%. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo kiên quyết không cho các trường này tổ chức thi tuyển lớp 6 khiến cho người dân hiểu là tất cả học sinh khi lên lớp 6 đều phải thi.
Giáo sư Văn Như Cương nói: “Chúng ta phổ cập chứ đâu có phổ cập trường chất lượng cao, đâu có phổ cập trường dân lập. Phổ cập toàn bộ bình thường là 95%, chỉ có riêng một số ít là đảm bảo quyền lợi các em được chọn trường học và những trường mà Bộ đề ra là trường chất lượng cao, có quyền tuyển sinh trên toàn thành phố thì tự nhiên con số nó cao lên thì phải tổ chức chọn”.
Thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục bậc THCS, từ nhiều năm nay, cả nước có tới 95% học sinh học xong lớp 5 là được lên lớp 6 không phải trải qua bất cứ kỳ thi tuyển nào. Chỉ còn ít học sinh học lực giỏi có nguyện vọng vào các trường chuyên, trường tư thục chất lượng cao là tham gia thi tuyển theo yêu cầu của các trường.
Ví dụ như: Năm học 2014, trường THCS Lương Thế Vinh nhận được lượng hồ sơ dự thi là 5.000 trong khi chỉ tiêu được tuyển là 600; trường Hà Nội - Amseterdam chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6 là 200 học sinh nhưng số lượng dự thi là 4000; trường THCS Cầu Giấy chỉ tiêu tuyển sinh cũng là 200 nhưng có tới hơn 2.000 học sinh đủ điều kiện nộp hồ sơ vào trường.
Một số chuyên gia giáo dục lo ngại, việc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không cho phép các trường THCS chuyên, trường tư thục chất lượng cao tổ chức thi tuyển vào lớp 6 dễ dẫn tới tình trạng xếp hàng mua đơn như đã xảy ra trước đây ở trường Tiểu học Thực Nghiệm.