Dự thảo Nghị định "quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, chụp hình, định vị" của Bộ Công an trong đó theo khoản 3 điều 4 thì ngoài ngành an ninh, các chủ thể khác như nhà báo, luật sư, người dân... sẽ không được sử dụng các thiết bị ngụy trang để ghi âm, ghi hình, khiến dư luận sửng sốt!
Dẫn ra điều 21 Hiến pháp: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”, Bộ Công an cho rằng, việc ghi âm, ghi hình bí mật là xâm phạm đến các quyền nêu trên, do vậy, trong trường hợp cần điều tra tội phạm, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 đã quy định rất chặt chẽ về căn cứ, điều kiện, đối tượng chủ thể, thẩm quyền, thủ tục và sử dụng kết quả của việc ghi âm, ghi hình bí mật.
Loại kính có gắn camera hiện cũng khá phổ biến trên mạng. |
Tuy nhiên, nên biết rằng, bên cạnh việc bảo vệ quyền riêng tư, Hiến pháp cũng quy định Điều 30 tại khoản 1 là: "1. Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân". Mà để tố cáo hành vi phạm pháp được, thì mọi người đương nhiên phải có quyền ghi âm ghi hình bí mật để làm bằng chứng tố cáo, bởi chẳng có người vi phạm nào lại cho ghi âm ghi hình công khai hành vi phạm pháp của mình để bị tố cáo.
Như vậy, để đảm bảo quyền tố cáo của mọi người theo Hiến pháp, mọi người phải có quyền ghi âm ghi hình bí mật hành vi phạm pháp.
Lưu ý ở đây, "đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình" có quyền bất khả xâm phạm, phải là những thứ hợp pháp. Còn tất cả những thứ "đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình" mà là phạm pháp thì lại không có quyền bất khả xâm phạm. Và như vậy "thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình" là các thứ phạm pháp thì lại không được pháp luật bảo đảm bí mật.
Thế nên Hiến pháp mới quy định, mọi người có quyền tố cáo hành vi phạm pháp. Tất nhiên để có bằng chứng tố cáo được thì phải có quyền ghi âm ghi hình bí mật. Và cũng vì thế BLTTHS mới cho phép cơ quan tố tụng được ghi âm - ghi hình bí mật trong trường hợp đấu tranh phòng chống tội phạm, chứ không phải lúc nào cũng "bất khả xâm phạm" như ý của Bộ Công an. Đó là điều không thể bác bỏ được.
Còn vấn đề sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang xâm phạm đến quyền riêng tư, hệ thống luật pháp của ta đã có các chế tài xử lý nghiêm khắc để ngăn chặn. Về ghi âm bí mật, nếu là ghi âm người đối thoại với mình thì không có quy định nào coi đó là xâm phạm quyền riêng tư, bởi khi người ta đã nói ra cho người ghi âm nghe thì không còn là bí mật riêng nữa.
Ghi âm bí mật người đối thoại với người khác thì mới bị coi là xâm phạm quyền riêng tư, bị Bộ luật hình sự (BLHS) có chế tài ngăn chặn tại điều 125. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác.
Còn ghi hình bí mật, nếu là hình ảnh bình thường thì theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) tại điều 32 quyền của cá nhân đối với hình ảnh và chế tài buộc phải bồi thường khi sử dụng hình ảnh cá nhân mà chưa được người đó cho phép.
Đối với hình ảnh riêng tư nhạy cảm (như tư thế hở hang, khỏa thân, cảnh sinh hoạt tình dục) mà ghi hình bí mật để sử dụng vào mục đích xấu thì bị BLHS có chế tài ngăn chặn tại các điều 253 tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, điều 121 tội Làm nhục người khác, điều 135 tội Cưỡng đoạt tài sản.
Như vậy, không phải cứ ghi hình bí mật là đã lập tức xâm phạm quyền riêng tư, mà chỉ khi sử dụng chưa được phép của người có hình ảnh đó thì mới vi phạm, và tùy theo tính chất, mức độ, mục đích mà bị BLDS hay BLHS ngăn chặn. Vì vậy, không phải cứ dùng thiết bị ghi âm ghi hình ngụy trang là xâm phạm riêng tư.
Và vì luật pháp đã có đầy đủ các chế tài trừng phạt nghiêm khắc đối với các hành vi ghi âm ghi hình bí mật vào mục đích sai trái, cho nên việc quy định thêm cấm sử dụng thiết bị ghi âm ghi hình ngụy trang là thừa (tức là chồng chéo) lại vừa vi phạm luật khác như sẽ nêu ra ở dưới đây.
Và tiếp đến, Bộ Công an còn dẫn ra khoản 1 Điều 223 , khoản 3 Điều 225, khoản 1 Điều 227 của BLTTHS, cho rằng theo các quy định này của Bộ luật thì chỉ có cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân mới được tiến hành biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật với sự kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn ngừa vi phạm quyền con người, quyền công dân.
Một loại mũ có gắn camera ngụy trang siêu nhỏ được chào bán trên mạng. |
Nhưng nhận thức như vậy là trái với điều 5 của BLTTHS đã nêu ở trên. Về các điều từ 223 đến 227 mà BCA dẫn ra, bản chất của nó chỉ là phản ánh sự phân cấp, giao trách nhiệm cụ thể cho người nào để tiến hành hoạt động tố tụng là ghi âm ghi hình bí mật trong cơ quan tố tụng, chứ không phải có nghĩa là chỉ cơ quan tố tụng mới có quyền ghi âm ghi hình bí mật. Vì tất nhiên, đã là cơ quan nhà nước thì phải có phân cấp, giao trách nhiệm cụ thể. Lưu ý, ở trong cả BLTTHS này không có chỗ nào có cụm từ "chỉ có cơ quan tố tụng mới được tiến hành ghi âm ghi hình bí mật" như BCA đã nêu quan điểm.
Và chú ý ở đây, bất kỳ ai, kể cả cơ quan tố tụng và cá nhân tổ chức ngoài tố tụng, đều phải tuân thủ quyền bí mật riêng tư của cá nhân nếu đó hợp pháp, còn nếu phạm pháp thì ai cũng có quyền ghi âm ghi hình bí mật để đấu tranh phòng chống tội phạm là một trách nhiệm chung theo điều 5 của BLTTHS, chứ không phải chỉ có mỗi ngành an ninh mới có trách nhiệm phòng chống tội phạm cho nên mới có độc quyền ghi âm ghi hình bí mật. BCA cũng thừa nhận lý do chỉ ngành an ninh mới được sử dụng thiết bị ghi âm ghi hình ngụy trang là vì ngành này có trách nhiệm phòng chống tội phạm. Thì như vậy tất cả mọi cá nhân cơ quan tổ chức nếu có trách nhiệm phòng chống tội phạm đều phải được dùng thiết bị ghi âm ghi hình bí mật.
Hệ thống luật pháp của ta là nghị định dưới luật. Nhưng khoản 3 điều 4 của Nghị định này không cho cá nhân cơ quan tổ chức ngoài ngành an ninh được sử dụng thiết bị ghi âm ghi hình bí mật như vậy là đã cấm điều 5 BLTTHS và còn cấm cả điều 4 BLHS đã quy định về "Trách nhiệm đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm" của tất cả mọi cá nhân cơ quan tổ chức. Như vậy 1 nghị định vi phạm liền 2 Bộ luật!
Theo Phạm Mạnh Hà (Dân Việt)