Cấm nói tục, chửi bậy ở chung cư: Đừng quy định cho vui

26/03/2016 09:55:32

Nhiều đơn vị quản lý chung cư cho rằng các hành vi nói tục, chửi bậy, làm mất trật tự chỉ nên coi là hương ước, hay quy chế mẫu để các cư dân thực hiện hơn là luật hóa.

Nhiều đơn vị quản lý chung cư cho rằng các hành vi nói tục, chửi bậy, làm mất trật tự chỉ nên coi là hương ước, hay quy chế mẫu để các cư dân thực hiện hơn là luật hóa.

Bắt đầu từ 2/4 tới, Quy chế Quản lý, sử dụng nhà chung cư của Bộ Xây dựng sẽ có hiệu lực. Phần phụ lục của văn bản này nêu rõ những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm ném bất cứ vật gì từ cửa sổ, ban công của căn hộ, nuôi gia súc, phơi quần áo trên ban công, mở thiết bị truyền thanh, truyền hình làm ảnh hưởng người khác cũng như cấm nói tục, chửi bậy.
 
Chung cư cấm, ở nơi khác thì sao?

Anh Hải Anh, cư dân sống tại một chung cư cao cấp ở quận 4, TP HCM tỏ ra thắc mắc, vì sao chỉ đưa ra quy định với chung cư. "Không lẽ người dân chung cư yêu cầu dân trí phải cao hơn các khu vực khác? Việc cấm nói tục, chửi bậy hay nói to, mở tivi âm lượng lớn… ở chung cư liệu có xử phạt được không. Nếu cấm ở chung cư thì ở các khu dân cư khác, các khu tập thể người ta được quyền chửi bậy, nói tục, chửi to", anh nêu câu hỏi.
 
"Quy định này tôi thấy đưa ra chỉ… cho vui, thực hiện không khả thi. Bởi cái nào đưa thành luật thì phải có chế tài mới có thể xử lý được. Cái nào không phù hợp trong cuộc sống thì nên bỏ”, anh Hải Anh nói.
 

Văn hóa ứng xử ở chung cư cần phải được nâng cao hơn. Ảnh minh họa: VD.


Nhiều chung cư hiện nay có thiết kế khá tách biệt nên sinh hoạt của các hộ không ảnh hưởng đến nhau. Cư dân nhiều chung cư tại TP HCM cũng sống khá biệt lập, đi làm về thường đóng cửa nên việc làm ồn gây ảnh hưởng đến các hộ khác rất hiếm. Vì vậy việc bị ảnh hưởng và làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng xóm là không ai muốn.

Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề này nên nhìn nhận tách bạch rõ ràng ở hai khía cạnh khác nhau.

Ở góc độ nào đó, nó là cả cái nhìn về văn hóa. Ví dụ có một số người trong giao tiếp thường kèm chửi thề, hay thói quen của người ta là nói to, nên nhìn nhận dưới góc độ văn hóa. Và đã là văn hóa, theo một số ý kiến, là khó cấm. Thế nên, hãy đưa nó thành những nội quy ở từng khu chung cư để nâng cao ý thức, lối sống, xây dựng nếp sống văn hóa chứ không nên đưa thành luật.

Các quy định khác như phóng ế bừa bãi, xả rác, phơi quần áo không đúng quy định, gây mất an ninh trật tự… thì các chung cư cũng có từ lâu rồi, và cũng thực hiện khá tốt… Nên ban quản lý từng chung cư cũng chỉ đưa vào quy định riêng của tòa nhà, và tuyên truyền, nhắc nhở cư dân nghiêm túc thực hiện, để làm sạch đẹp hơn khu vực mình đang sống, đó cũng là thể hiện văn hóa.

Quy định thật nực cười!

Trao đổi với Zing.vn, bà Nguyễn Thị Khá – Đại biểu Quốc hội đoàn Trà Vinh - Uỷ viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, quy định như vậy thật nực cười.

"Cái này thuộc về văn hoá ứng xử, nằm trong quy ước chứ không thể nằm trong văn bản pháp quy. Bộ Xây dựng không nên quá chi ly khi đưa quy định này vào văn bản pháp luật. Làm luật là đi sát thực tế, nhưng không phải quy định cả những điều nhỏ nhặt như vậy", bà nói.

Theo bà Khá, đã là quy ước, văn hoá ứng xử thì có thể chỗ này quy ước khác, chỗ kia quy ước khác, không thể “bó” trong một văn bản cứng.

"Mỗi chỗ họ đặt ra một quy ước, hương ước trên cơ sở thoả thuận với nhau, cùng nhau thực hiện chứ không phải áp đặt. Quy định là phạt nhưng dựa trên điều luật nào? Luật Xử phạt vi phạm hành chính có quy định hay không? Chưa kể ai sẽ là người chịu trách nhiệm phạt?".

Bà cho rằng, không nên quy định những điều chi ly, nhỏ nhặt như vậy trong văn bản luật. Do vậy, phụ lục văn bản này không nên ban hành, ban hành rồi thì phải xem có trái pháp luật hay không.

Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch hội tư vấn khoa học công nghệ & quản lý TP HCM cũng cho biết, từ trước đến nay, Bộ Xây dựng đã có nhiều thông tư về việc quản lý, sử dụng nhà chung cư. Nhưng thực tế, theo ông, việc thực hiện không khả thi.

"Những quy định này khá chi tiết nhưng lại bị chồng lấn sang lĩnh vực quản lý xã hội. Sẽ khó thực thi khi không có chế tài, cơ chế xử lý vi phạm của Ban quản lý chung cư", ông Phúc chia sẻ.

Ban quản lý, chủ đầu tư các chung cư nói gì?

Đại diện ban quản lý chung cư Ba Son (Gò Vấp, TP HCM) cho rằng, môi trường sống của các khu chung cư thường là một cộng đồng tri thức lớn. Vì vậy, việc xảy ra những hình ảnh phản cảm cũng chỉ là cá biệt hay đối tượng đi thuê ở ngắn hạn.

Theo ông này, ai sở hữu nhà chung cư đều mong muốn xây dựng môi trường sống ngày càng tốt hơn và văn hóa cũng cải thiện tích cực hơn. Cũng như trước đây, khi người dân Singapore chủ yếu sinh hoạt trong căn hộ cao tầng họ vẫn có nuôi gia súc trong nhà. Tuy nhiên sự phát triển của xã hội đi lên cũng làm cho môi trường sống cũng trở nên văn minh hơn.

Theo lãnh đạo một công ty đầu tư địa ốc tại TP HCM, sau khi xong hai năm nghiệm thu, chủ đầu tư lại dự án cho Ban quản lý mà đại diện là cư dân ở đây.

Vị này cho rằng, đây là môi trường sống của họ nên họ tự xây dựng văn hóa sao cho phù hợp. Thay vì ban hành quy định nên để ban quản trị chung cư tự quản, dưới sự giám sát của địa phương. Khi có vấn đề ảnh hưởng đến văn hóa, trật tự xã hội thì chính quyền địa phương nhắc nhở phê bình, cũng như tuyên dương Ban quản trị nếu điều hành tốt.

Chắc chắn, những suy nghĩ và hành động riêng lẻ, không đẹp sẽ dần dần thay đổi. Như vậy, việc hành chính hóa ý thức luôn gây ức chế cho nhiều người. Thay vì vậy, theo ông, nên tuyên truyền để nâng cao ý thức của họ mới là điều đáng bàn.

"Mà để thực hiện việc này, chỉ cần Ban quản lý chung cư làm việc có trách nhiệm hơn để nâng cao chất lượng đời sống. Những việc liên quan đến văn hóa và vẫn trong phạm vi kiểm soát của Ban quản lý thì không nhất thiết Bộ phải ban hành quy phạm pháp luật”, ông nói.
 

Luật sư Nguyễn Văn Đức, đoàn luật sư Bình Phước nhìn nhận, thực tế các hành vi không đẹp ở chung cư, khu dân cư, khu tập thể… như nói tục, chửi bậy, gây mất an ninh trật tự…  cấm là cần thiết, nhưng thực hiện như thế nào thì cần bàn thêm. Theo ông Đức, quy định nhưng lại không có chế tài xử phạt, chỉ nói cấm thôi thì không hiệu quả.

“Theo tôi hiểu thì nếu cư dân vi phạm các hành vi này, ban quản lý chung cư sẽ nhắc nhở, lâp biên bản, hay mang ra họp tổ dân phố là hết, không thể xử phạt được. Vì vậy, cũng không hiệu quả. Lẽ ra, những vấn đề này nên đưa vào nội quy mẫu của chung cư. Hoặc xây dựng thành một quy chế mẫu, để cho cư dân thỏa thuận thực hiện. Nên coi như hương ước đưa vào xây dựng thành nếp sống văn hóa ở khu dân cư, chung cư thì hợp lý hơn”, ông Đức nói.
 
>> Dân chung cư bị cấm "nói tục, chửi bậy"

Theo Bình Nguyên - Cẩm Thanh (Zing.vn)

Nổi bật