Bão vào đất liền khoảng 19h tối nay, các tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã cấm biển, hoãn các cuộc họp để tập trung chống bão, học sinh được nghỉ học.
Bộ đội Biên phòng được lệnh tiếp tục theo dõi tình hình bão để hướng dẫn các tàu cá chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm (là vùng biển nam vĩ tuyến 17,5, bắc vĩ tuyến 14,5 và tây kinh tuyến 113|), phát lệnh cho lực lượng Hải đội 2 thường trực lực lượng, phương tiện sẵn sàng làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch thành phố Hội An cho biết, từ sáng nay mọi phương tiện ra vào xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) đã ngừng hoạt động đi tránh bão, hiện không còn du khách nào mắc kẹt trên đảo. Trước mắt, một số hộ trên đảo có nhà không kiến cố sẽ phải di dời đến nơi an toàn.
Xe tuyên truyền phòng tránh bão ở Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông. |
"Hiện tại Đà Nẵng còn gần 100 tàu thuyền ở ngoài biển, trong đó 41 chiếc ở vùng tâm bão đang gấp rút chạy về bờ, số còn lại di chuyển về hướng Hải Phòng, Khánh Hòa để tránh bão", ông Ban nói và cho hay nhiều trường học ở Đà Nẵng đã chủ động cho học sinh nghỉ học tránh bão.
Hiện bão chưa vào, nhưng với sức gió cấp 5-6, một số tàu thuyền neo đậu ven bờ biển Đà Nẵng đã bị sóng biển nhấn chìm. Nhiều cây xanh bị gió quật đổ. Người dân di chuyển trên các tuyến đường ven biển bị gió quật ngã. Để phòng tránh thiệt hại do bão, xe tuyên truyền lưu động đã phát loa thông báo người dân chủ động chằng chống nhà cửa, hạn chế ra ngoài đường.
Vùng biển Quảng Ngãi biển động mạnh trong sáng 14/9. Ảnh: Trí Tín. |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cũng yêu cầu rà soát kỹ các khu vực dân cư vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao sạt lở ven sông, ven biển, sạt lở núi và lũ quét, sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân theo kế hoạch. Sở Giáo dục đã yêu cầu các trường cho học sinh các cấp trên địa bàn nghỉ học từ chiều 14/9.
Nằm sát với vùng bão dự kiến đổ bộ, tỉnh Bình Định cũng đang nỗ lực tập trung phòng chống. Sáng nay, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh tiếp tục kêu gọi 6 tàu thuyền với khoảng 55 ngư dân đang đánh bắt ở phía Bắc vùng biển Hoàng Sa khẩn cấp thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Trước đó trưa 13/9, 13 ngư dân đi trên tàu của ông Phạm Thanh Trưởng (TP Quy Nhơn) đang khai thác thủy sản cách Nha Trang khoảng 103 hải lý thì bị hỏng máy, trôi dạt trên biển. Ông Trưởng cùng các ngư dân đã liên lạc cầu cứu cơ quan chức năng.
Ngư dân Đà Nẵng đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai sáng nay, Bộ đội biên phòng thông tin, đến 10h sáng nay vẫn còn 471 tàu với hơn 5.000 ngư dân hoạt động trên vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong vùng ảnh hưởng của bão. Trong đó Đà Nẵng có 18 tàu, Quảng Nam 110 tàu, Bình Định 253 tàu, Khánh Hòa 1 tàu.
"Bão không lớn nhưng hoàn lưu rộng nên các địa phương không được chủ quan. Trong lịch sử có nhiều cơn bão nhỏ nhưng gây ra hậu quả nghiêm trọng", Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát nhấn mạnh và đề nghị các địa phương khẩn cấp gọi tàu gần bờ vào nơi tránh trú an toàn, tàu ở xa bờ di chuyển ngay khỏi khu vực ảnh hưởng của bão, xuống phía Bắc hoặc lên phía Nam.
Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão. Ảnh: NCHMF. |
Vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, sóng biển cao 3-4 m. Khu vực ven biển các tỉnh Quảng Trị -Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8. Hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh gây mưa rất to cho các tỉnh Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên từ ngày 14 đến 16/9. Từ ngày 15 đến 18/9 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ có mưa to.