Nghe tin Tuấn trở về sau khi khuôn mặt em được một giáo sư người Mỹ phẫu thuật thành công, chúng tôi tìm đến nhà để chúc mừng và chung vui với gia đình chàng trai “không mặt” ấy.
Mở đầu câu chuyện, bà Nguyễn Thị Hồng (47 tuổi) - mẹ đẻ của chàng trai Lê Trung Tuấn (19 tuổi), không giấu được niềm vui: “Gần chục năm qua, đây là cái Tết vui nhất, hạnh phúc nhất của gia đình tôi kể từ ngày Tuấn bị bệnh”. Vừa nói, bà Hồng vừa đưa mắt nhìn sang cậu con trai cả của mình, khóe mắt ngấn lệ. Có lẽ, đó là những giọt nước mắt trong niềm hạnh phúc vô bờ của người mẹ dành cho con và cho cả bản thân mình.
Cậu bé Lê Trung Tuấn trước khi bị bệnh quái ác. |
Nhắc lại câu chuyện con trai mình bỗng dưng mắc phải căn bệnh ung thư sụn quái ác, bà Hồng kể: “Năm Tuấn lên tuổi 11, bỗng nhiên cứ thấy nghẹt mũi, chảy mũi xanh. Gia đình đưa cháu đi khám, các bác sĩ chẩn đoán là viêm xoang, nhưng rồi uống thuốc mãi vẫn không thấy khỏi. Sau đó, gia đình đưa đi Bệnh viện Tai- Mũi - Họng Trung Ương, thì phát hiện có 1 khối u trong hốc mắt trái và thoát vị não.
Do phát hiện khối u và liên quan đến não, nên Tuấn được chuyển bệnh viện Việt Đức. Tại bệnh viện này, các bác sĩ lại chẩn đoán là “K xoang sàn lan nền vỏ sọ”, nên phải nằm ở viện chờ hội chẩn để mổ. Nhiều lần bệnh viện lên lịch để mổ, nhưng sau đó lại không thể mổ được. Sau khi cháu về nhà 3 tháng thì khối u bắt đầu nhú lên, mỗi ngày khối u càng phát triển to dần lên và dần dần mất luôn khuôn mặt.
Lê Trung Tuấn phải mang cái mặt có khối u ác tính khổng lồ - (ảnh do Tuấn cung cấp) |
Trong thời gian ấy, vợ chồng tôi đi khắp nơi để mua thuốc cho con. Bố cháu vào tận tỉnh Bình Phước để lấy thuốc cho cháu, nhưng cũng không thuyên giảm gì. Cứ mỗi lần nhìn khuôn mặt của con ngày càng biến dạng, lòng tôi đau xót vô cùng. Năm 2010, thấy bệnh tình con trai ngày càng nặng hơn, không còn hy vọng gì, nên vợ chồng tôi âm thầm tính chuyện đẻ thêm một đứa con. Thế nhưng, khi tôi mang bầu cháu gái, thì lại phải xuống Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa nằm đúng 1 năm. Vậy là, ở nhà chỉ có hai bố con Tuấn chống chọi với căn bệnh quái ác ấy. Tạ ơn trời phật, cũng may là hai bố con Tuấn rất can đảm và kiên cường”.
Cùng ngồi tiếp chuyện với mẹ, Lê Trung Tuấn kể về căn bệnh của mình: “Theo Giáo sư người Mỹ - McKay McKinnon, thì bệnh của em là ung thư xương, nhưng chỉ ăn xương sụn chứ không ăn xương thép và rất may là nó không di căn. Đây là ca đầu tiên trên thế giới. Khi phẫu thuật, các bác sĩ phải lấy sụn xương sườn của em để tái tạo sụn sống mũi và lấy xương sọ để đắp xương trán cho em… Lúc bệnh phát đỉnh điểm, em không thể ăn và chỉ nhìn được một mắt phải.
Có lúc cả nửa tháng, em bị chảy máu mũi không cầm được, nên sức khỏe của em bị giảm sút kinh khủng và tụt cân từ 36 kg xuống chỉ còn 20 kg... Suốt 5 năm, bố mẹ đưa em đi khắp các bệnh viện trong cả nước, nhưng đến đâu các bác sĩ đều lắc đầu, khiến cả gia đình rơi vào tuyệt vọng”.
Trong họa có phúc
Trong lúc gia đình và bản thân Lê Trung Tuấn rơi vào cảnh bế tắc, tuyệt vọng thì may mắn thay, Tuấn đã gặp được GS Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Đây là một bước ngoặt trong hành trình chữa bệnh của Tuấn.
Giáo sư Liêm đã mời chuyên gia tạo hình người Mỹ McKay McKinnon hội chẩn và đã quyết định phẫu thuật cho em. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của ca mổ là khối u ác tính đã ăn rất sâu vào hộp sọ, nên việc tách u đòi hỏi kỹ thuật cao để không làm ảnh hưởng đến cấu trúc các bộ phận khác như mắt, sọ não.
Sau 4 cuộc đại phẫu, Lê Trung Tuấn đã có một khuôn mặt gần như bình thường. |
Tuấn bảo: “Sau khi các bác sĩ thăm khám cho em xong, họ bắt đầu hội chẩn để lên kế hoạch phẫu thuật. Thế nhưng, mãi đến ngày 23.7.2013, ca phẫu thuật cho em mới được tiến hành. Trong lần mổ đầu tiên ấy, các bác sĩ đã phải mổ cho em trong suốt 11 giờ liền. Giáo sư McKay McKinnon và các bác sĩ của bệnh viện Vinmec đã mổ tách thành công khối u ác tính khổng lồ ấy cho em, mà không làm ảnh hưởng đến cấu trúc các bộ phận khác trên khuôn mặt.
Tuy nhiên, đó mới là lần phẫu thuật đầu tiên. Hơn một năm sau sau đó, vào ngày 18.9.2014, Giáo sư McKay Mc Kinnon tiếp tục ca phẫu thuật thứ 2 nhằm tạo hình lại khuôn mặt cho em. Các bác sĩ cũng khẳng định, sau 2 lần phẫu thuật đã không còn tế bào khối u ác tính nữa. Đến tháng 3.2015, em lại phải trải qua 1 lần phẫu thuật nữa. Ca mổ lần cuối cùng vào ngày 1.12.2016, Giáo sư Mc Kinnon đã nối thông hầu - họng và tạo hình sống mũi cho em. Như các anh thấy đấy, khuôn mặt của em được như bây giờ quả là một kỳ tích. Thật lòng, có những lúc bệnh phát đỉnh điểm, em không nghĩ mình sẽ có cơ hội sống”.
Hai mẹ con Lê Trung Tuấn trong niềm vui khôn tả. |
Giờ đây, Lê Trung Tuấn đã tự tin hơn với khuôn mặt của mình, nhưng sức khỏe vẫn còn yếu. “Hiện nay, em vẫn chưa phục hồi hoàn toàn được sức khỏe, nên vẫn phải nghỉ ở nhà. Khi nào em khỏe lại, sẽ xin bố mẹ cho đi học nghề gì đó. Bởi, giờ đây em đã quá tuổi đi học văn hóa, vì lúc đang học lớp 6, thì em bị bệnh, nên phải nghỉ học”- Tuấn tâm sự.
Trước lúc chia tay, bà Hồng bộc bạch: “Từ đáy lòng, thông qua báo NTNN/Dân Việt, cho tôi thay mặt gia đình, xin được gửi lời cảm ơn đến tất cả các cá nhân, tập thể, những nhà hảo tâm và đặc biệt là các y, bác sĩ trong và ngoài nước đã mang lại cuộc sống cho con trai tôi. Nếu không có sự giúp đỡ của các bác sĩ, các nhà hảo tâm, thì có lẽ con trai tôi không thể sống được như ngày hôm nay. Quả thật, trong cái họa của gia đình tôi, con trai tôi, thì vẫn còn cái phúc. Xin chân thành cảm ơn tất cả!”.
Theo Hồng Đức (Dân Việt)