Trong giây phút được công bố khỏi bệnh, nữ phóng viên xúc động muốn ôm chầm bác sỹ Đỗ Thị Phương Mai. Ôm nhau thời Covid thật đặc biệt, khi 2 người giữ đúng khoảng cách 2 mét, rồi giang rộng cánh tay, cảm xúc lúc đó thật khó diễn tả.
- "Em rất may mắn, chúc em luôn xinh đẹp. Sau này, nếu có thời gian, chị em mình sẽ gặp nhau nói chuyện", bác sỹ Mai nói.
- "Em cũng mong khi dịch bệnh qua đi, được gặp và ôm chị thật chặt".
Chị Nguyễn Thuý Hằng (43 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) là nữ phóng viên đầu tiên nhiễm Covid-19 tại Việt Nam. Ngày 12/3, cô phỏng vấn Cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam. Sau khi người này được xác định là bệnh nhân 148, cô được đưa đi cách ly tập trung. Đến ngày 29/3, cô được công bố là bệnh nhân 183, chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội cách ly theo dõi.
Ngày đầu tiên, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân cho kết quả âm tính, ngày hôm sau chuyển dương tính, đồng thời phổi có dấu hiệu bị tổn thương. Cô đã rất buồn và lo lắng.
Bác sỹ Mai nói rằng, chị đã động viên rất nhiều để bệnh nhân lấy lại được tinh thần. Từ những lần đó, hai chị em dần trở nên thân quen.
Chụp cắt lớp vi tính đợt 3, tổn thương phổi bắt đầu co lại. Đến nay, sau 20 ngày điều trị, tổn thương phổi gần như... "bay hết", 3 lần test đều âm tính với SARS-CoV-2, nữ phóng viên tỉnh táo, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định. Chiều 17/4, cô được công nhận khỏi bệnh, chuyển lên khu cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương theo dõi thêm 14 ngày.
"Mấy ngày đầu tôi bơ phờ và tàn tạ. Khi chị Mai nói rằng tôi khỏi bệnh, tôi đã gọi điện ngay cho mẹ", chị Hằng nói cô rất may mắn, dù nhiễm Covid-19, nhưng không có các biểu hiện lâm sàng như ho, sốt hay bị virus tấn công. Khó khăn duy nhất đối với cô, là làm đầy thời gian chết trong phòng bệnh.
"Trước khi vào đây, tôi chưa bao giờ có khoảng thời gian rảnh rỗi nhiều như thế này. Mọi người vẫn thường nói ở trong khu cách ly, thời gian chết rất nhiều, nên tôi cố gắng không đếm thời gian nữa, thay vào đó tận dụng để duy trì nhịp điệu bận rộn nhất có thể".
Cô phóng viên đọc sách, tập thể dục, hoặc xem phim, nghe nhạc. Những lúc khác, chị rủ các bệnh nhân trong phòng nhảy "Ghen Cô Vy". Chị cũng tự nhận bản thân không phải là người thích ngồi một chỗ, luôn muốn khuấy động xung quanh.
Mỗi ngày, sau bữa sáng, chị Hằng nghỉ một lúc, rồi tập bài thể dục nhẹ nhàng. Chị đọc sách, trao đổi với bạn bè và gia đình. Đến giờ nghỉ trưa, chị tiếp tục tập thể dục. Buổi chiều, bài tập nặng hơn. Buổi tối, chị dành thời gian đọc sách.
"Và, một ưu tiên nữa, tôi không bỏ qua chương trình thời sự để cập nhật tin tức về diễn biến trong và ngoài nước, cũng như dịch bệnh Covid-19".
Mỗi khi có bệnh nhân mới vào phòng, chị thường nói chuyện và học cách lắng nghe họ. Thậm chí, các chị có thể chia sẻ những sở thích chung với nhau, như tập thể dục, tập nhảy và đọc sách.
"Bạn Hằng là nguồn động viên rất lớn cho các bệnh nhân xung quanh. Họ cũng lo lắng rất nhiều, nhưng được bạn ấy chia sẻ nên phấn chấn, yên tâm điều trị hơn", bác sỹ Mai cho hay.
Nói về đam mê đọc sách, chị kể trước đây do tính chất công việc, nên có những cuốn mua về còn nguyên tem, chưa bao giờ đụng đến. Cuốn sách chị đang đọc có tên "Madame Nhu – Trần Lệ Xuân: Quyền lực Bà Rồng", mang tính nửa hồi ký, nửa lịch sử.
"Có thể về đề tài lịch sử, nhiều người nghĩ rằng nó không hay. Nhưng thật ngạc nhiên, khi "buông" mình vào những dòng chữ, tôi cảm nhận được vẻ đẹp của nó. Nhiều chi tiết liên quan đến lịch sử tôi chưa từng biết. Ngoài ra, tôi cũng có những cuốn sách mang tính giải trí đơn thuần, là truyện, hay tản văn của các tác giả Việt Nam".
Ấn tượng sâu đậm nhất với nữ phóng viên ngay từ ngày đầu nhập viện, rằng chị thấy nhân viên y tế quá vất vả. "Thật sự chúng tôi cứ nói với nhau mình ở đây còn sướng, vì chẳng phải làm gì, chỉ đọc sách, xem phim, nghe nhạc, trong khi các anh chị ấy làm việc quần quật".
Mỗi ngày, y bác sỹ gọi đến từng phòng hỏi han tình trạng sức khoẻ các bệnh nhân, chưa kể những lúc bệnh nhân có triệu chứng thay đổi bất thường, họ phải đến tận nơi chăm sóc.
"Tôi đều không biết mặt các y bác sỹ, bởi mỗi lần xuất hiện, họ đều trong trang phục bảo hộ kín mít. Tôi chỉ có thể nhận biết họ qua giọng nói, ấm áp và thân thương vô cùng khi được chuyện trò".
Nếu được nói một điều gì đó, nữ phóng viên thực sự cảm kích trong suốt thời gian được chăm sóc tận tình. Đó là một sự biết ơn lớn lao từ tận đáy lòng, và không có từ ngữ nào đủ lớn hơn, để diễn đạt.
Hằng nói chị có thói quen bày tỏ sự biết ơn bằng một cái ôm thật chặt, nhưng thật khó trong hoàn cảnh này.
"Tôi mong dịch hết thật nhanh, để có thể sử dụng lại thói quen này, vòng tay siết chặt, mong các bác sỹ có thể cảm nhận được tấm lòng của tôi".
Trước khi chia tay bác sỹ Mai để chuyển lên phòng cách ly 14 ngày tiếp theo, nữ phóng viên cho biết rất vui sau thời gian này, lại có thêm nhiều tri kỉ. Đấy là điều chị hạnh phúc nhất, hứa với bác sỹ Mai rằng, hết dịch, hai chị em nhất định ôm nhau thật chặt.
"Chị biết em đã phải cách ly một thời gian rất dài, rất mệt mỏi rồi, nhưng cố gắng thêm 14 ngày nữa, ăn uống một chút, em sẽ dần quay lại với cộng đồng", bác sỹ Mai xúc động chia tay.
Theo Minh Nhân - Phương Thảo (Toquoc.vn)