Theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp hồi tháng 7/2015, FUV đặt trụ sở chính tại Khu công nghệ cao TP HCM với diện tích đất là 15 hecta.
Lễ trao quyết định thành lập Đại học Fulbright Việt Nam diễn ra hôm 25/5. |
Tháng 9/2016, Đại học Fulbright Việt Nam sẽ đi vào hoạt động, bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên. Trường dự kiến tuyển 80 – 100 sinh viên cho chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Chính sách công.
Tới năm 2018, Trường Khoa học Xã hội Nhân văn thuộc FUV sẽ chính thức tuyển sinh hệ đại học. Dự kiến khi đạt quy mô lớn nhất, mỗi năm, Fulbright sẽ có khoảng 6.000-10.000 sinh viên.
Điều kiện tuyển sinh của FUV
FUV muốn tiếp cận cách tuyển sinh của những đại học ở Mỹ. Theo đó, cán bộ tuyển sinh sẽ không chỉ xem xét điểm số hay kết quả từ một kỳ thi để đánh giá thí sinh.
Họ chú trọng cách các em trả lời phỏng vấn, bày tỏ ước mơ, nguyện vọng, đam mê nghề nghiệp và yếu tố hoạt động xã hội, cộng đồng.
FUV muốn tìm kiếm những sinh viên có nhiều điểm khác biệt thú vị chứ không chỉ là người có thành tích học tập tốt nhưng yếu về kỹ năng sống.
Mức học phí tại FUV
Hiệu trưởng trường cho biết, các sinh viên tài năng sẽ được tiếp cận chương trình đào tạo chất lượng cao với chi phí hợp lý, bất kể họ xuất thân từ hoàn cảnh kinh tế - xã hội nào.
Ông Bob Kerrey, Chủ tịch FUV, nhấn mạnh rằng, điều kiện kinh tế của mỗi gia đình sẽ không phải là yếu tố quyết định các em có được học tại Đại học Fulbright Việt Nam hay không.
Trường sẽ có các hình thức học bổng và hỗ trợ tài chính để đảm bảo những học sinh tài năng có thể theo đuổi việc học ở trường nếu trúng tuyển.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là người ủng hộ mạnh mẽ dự án ĐH Fulbright tại Việt Nam |
Chính sách học bổng của FUV
Quỹ học bổng của trường phụ thuộc chủ yếu nguồn đóng góp, tài trợ. Trường sẽ trao học bổng cho những sinh viên tài năng, xuất sắc. Một phần lớn quỹ học bổng được huy động từ sự tài trợ của các doanh nghiệp.
Trường cũng có chính sách hỗ trợ tài chính cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hay gia đình không đủ khả năng chi trả mức học phí cao hơn trường công.
Việc xét hỗ trợ tài chính sẽ tương tự các đại học ở Mỹ, dựa trên hoàn cảnh gia đình, năng lực cá nhân, mục tiêu, kế hoạch học tập của sinh viên.
Các ngành FUV đào tạo
Theo công bố của dự án Đại học Fulbright Việt Nam, 5 năm đầu, trường tập trung xây dựng 3 cơ sở đào tạo tích hợp.
Trường Chính sách công và quản lý Fulbright sẽ đào tạo chương trình sau đại học trong lĩnh vực chính sách công, luật kinh doanh quốc tế, tài chính và quản trị kinh doanh, nghiên cứu và đối thoại chính sách.
Trường Công nghệ và khoa học ứng dụng Fulbright cung cấp các chương trình đào tạo cử nhân và sau đại học trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, cơ khí, toán ứng dụng và y khoa.
Fulbright College sẽ đào tạo cử nhân trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Ngoài ra, FUV cũng dự định đào tạo các ngành khoa học liên ngành, trong đó có khoa học môi trường, biến đổi khí hậu.
FUV sẽ đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, xem xét thực tế khả năng tiếng Anh của thí sinh có thể không đáp ứng được nhu cầu, trường sẽ cung cấp các chương trình đào tạo tiếng Anh đầu vào trong khoảng 3 đến 6 tháng.
Đối với những môn học bắt buộc trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, FUV sẽ đổi mới cách giới thiệu, giảng dạy và phương pháp tiếp cận để môn học trở nên hấp dẫn hơn.
Ngày 25/5, lễ ký quyết định thành lập Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) diễn ra dưới sự chứng kiến của quan chức Việt – Mỹ. Đại học Fulbright Việt Nam sẽ là đại học tư thục phi lợi nhuận đầu tiên ở nước ta, hoạt động hướng tới mô hình khai phóng với hình thức tuyển sinh mới và đào tạo bằng tiếng Anh. Số vốn đăng ký ban đầu là 70 triệu USD. FUV đã nhận được cam kết tài trợ khoảng 60 triệu USD và ước tính cần huy động 150 triệu USD trong 5 năm đầu tiên. Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Fulbright Việt Nam là bà Đàm Bích Thủy. Bà Thủy tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, từng nhận học bổng Fulbright và học thạc sĩ quản trị kinh doanh tại trường Wharton danh tiếng (thuộc Đại học Pennsylvania). |
Theo K.N (Giadinh.net.vn)