Theo dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, từ 1/7 tới sẽ bãi bỏ giấy phép lái xe hạng B2. Vậy lái xe sở hữu giấy phép lái xe hạng này có phải thay đổi bằng?
Cách tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ mới nhấtDưới đây là cách tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ đơn giản, thuận tiện:
Cách 1: Tra cứu giấy phép lái xe vi phạm trên web của Bộ Công an
Bước 1: Truy cập vào trang web của Cục cảnh sát giao thông www.csgt.vn để tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ.
Bước 2: Người tra cứu giấy phép lái xe có thể nhìn thấy phía góc bên tay phải giao diện là bảng tra cứu phương tiện vi phạm giao thông, người dân có thể dễ dàng theo dõi phương tiện có nằm trong danh sách vi phạm giao thông hay không bằng cách tra cứu như sau:
Điền biển số xe máy, xe ô tô online bằng cách điều biển số xe và lựa chọn loại phương tiện.
Sau đó nhập mã xác thực và ấn nút Tra cứu trên giao diện và chờ kết quả tra cứu thông qua hình ảnh.
Bước 3: Kết quả sẽ trả về và cho biết số lần vi phạm, lỗi vi phạm, ngày vi phạm nếu như từng vi phạm. Trường hợp xe người dân có vi phạm và bị phạt nguội, hệ thống sẽ hiển thị đầy đủ thông tin về thời gian, địa điểm vi phạm, đơn vị phát hiện vi phạm, thông tin số điện thoại đơn vị xử lý vi phạm.
Trường hợp không vi phạm, trang web sẽ hiển thị "không tìm thấy kết quả".
Cách 2: Tra cứu trên trang thông tin giấy phép lái xe
Bước 1: Truy cập vào trang thông tin giấy phép lái xe https://gplx.gov.vn để tra cứu giấy phép lái xe vi phạm.
Bước 2: Tiến hành nhập các thông tin.
Lựa chọn loại giấy phép lái xe tương ứng, có 3 loại giấy phép lái xe:
+ Giấy phép lái xe PET (có thời hạn): bao gồm các loại bằng lái xe hạng A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE.
+ Giấy phép lái xe PET (không thời hạn): bao gồm các loại bằng lái xe hạng A1, A2 và A3.
=> Nếu người dân đang sử dụng giấy phép lái xe thế hệ mới (PET) thì khi tra cứu cần điền đầy đủ số seri (số seri ở mặt sau).
+ Giấy phép lái xe cũ (làm bằng giấy bìa): nếu bằng lái của bạn được cấp trước tháng 7 năm 2013, giấy phép lái xe cũ bằng giấy ép nhựa bên ngoài.
- Nhập số giấy phép lái xe: Là dãy số đỏ ngay bên dưới dòng chữ GIẤY PHÉP LÁI XE/DRIVER'SLICENSE. Nhập đầy đủ dãy số bao gồm cả các ký tự chữ (nếu có).
- Ngày/tháng/năm sinh:
+ Đối với giấy lái xe vật liệu PET, người dân nhập ngày sinh theo cú pháp: dd/MM/yyyy (nghĩa là ngày/tháng/năm viết liền nhau), còn nếu là giấy phép lái xe loại cũ thì chỉ cần ghi năm sinh yyyy.
- Sau đó nhập mã bảo vệ.
Bước 3: Kết quả sẽ trả về sẽ cho biết số lần vi phạm, lỗi vi phạm, ngày vi phạm. Các thông tin trên sẽ giúp người dân rất nhiều trong việc tra cứu số tiền phạt và thời gian hẹn đến để xử lý giấy phép lái xe vi phạm.
Trường hợp không có kết quả hay không tìm thấy số thì có lẽ đã nhập sai một trong các thông tin trên hoặc không có vi phạm xảy ra. Với trường hợp này, nếu giấy phép lái xe bằng vật liệu PET thì đó chắc chắn là bằng lái xe giả. Còn nếu là bằng vật liệu giấy (bằng cũ) thì có thể bằng quá cũ nên chưa kịp cập nhật lên hệ thống.
Trường hợp nào bị tạm giữ giấy phép lái xe?
Tạm giữ giấy phép lái xe là một trong những hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp không tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Không phải trường hợp nào vi phạm cũng bị giữ giấy phép lái xe mà việc tạm giữ giấy phép lái xe chỉ được áp dụng trong trường hợp thật sự cần thiết và phải tuân theo Khoản 2 Điều 82 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.
Cụ thể trong hai trường hợp sau sẽ bị tạm giữ giấy phép lái xe:
- Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
- Để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt.
Một số trường hợp điển hình bị tạm giữ giấy phép như: Vượt đèn đỏ; không chấp hành theo hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông; đi ngược chiều hoặc đi vào khu vực có biển báo cấm; chạy quá tốc độ quy định; không nhường đường hoặc cản trở xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ....
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì có thể bị tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt. Việc tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong thời gian chờ ra quyết định không làm ảnh hưởng quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề của cá nhân, tổ chức đó.
Về bản chất của việc tạm giữ giấy phép lái xe là giữ giấy tờ để đảm bảo người vi phạm sẽ nộp phạt tại kho bạc đúng theo thời gian quy định và theo quyết định xử phạt đối với những lỗi đã vi phạm. Thời gian giữ giấy phép lái xe cũng như những loại chứng chỉ đối với tổ chức, cá nhân không bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, Khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi, bổ sung bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 quy định việc tạm giữ giấy phép để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Ngoài giấy phép lái xe, người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ sau cho đến khi cá nhân, tổ chức vi phạm chấp hành xong quyết định xử phạt theo thứ tự:
- Giấy phép lái xe;
- Giấy phép lưu hành phương tiện;
- Giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện.
Theo quy định nêu trên, CSGT có quyền tạm giữ giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi thuộc một trong các trường hợp nêu trên.
Thời hạn tạm giữ giấy phép lái xe là bao lâu?
Căn cứ quy định tại Điểm b Khoản 64 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020, thời hạn tạm giữ giấy phép lái xe không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ; trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ giấy phép lái xe không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.
Thời hạn tạm giữ giấy phép lái xe có thể được kéo dài nhưng không quá 02 tháng, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ được tính từ thời điểm giấy phép lái xe bị tạm giữ thực tế.
Thời hạn tạm giữ giấy phép lái xe không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt thì thời hạn tạm giữ kết thúc khi quyết định xử phạt được thi hành xong.
Bị tạm giữ giấy phép lái xe có được lái xe không?
Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 32 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP), khi bị tạm giữ giấy phép lái xe, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ.
Như vậy, trong khoảng thời gian bị tạm giữ giấy phép lái xe thì vẫn được phép lái xe. Chỉ trong trường hợp nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm thì mới bị xử phạt như hành vi không có giấy tờ.
Theo đó, mức phạt lỗi không có giấy phép lái xe khi tham gia giao thông được quy định tại Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô.
- Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh.
- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.
Theo L.Vũ (Giadinh.suckhoedoisong.vn)