Cách tính lương tối thiểu vùng: 'Xác định tiền thuê nhà 194.000 đồng/tháng là phi thực tế'

01/04/2022 06:54:58

Trong cách tính tiền lương tối thiểu vùng hiện nay còn nhiều điểm bất hợp lý, dẫn đến xác định mức lương tối thiểu vùng chưa đáp ứng đủ mức sống tối thiểu của người lao động.

Trước năm 2020, hàng năm tiền lương tối thiểu vùng đều được điều chỉnh tăng bình quân khoảng 7,4%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ năm 2020 đến nay, mức lương tối thiểu vùng được giữ nguyên không tăng nhằm giảm sức ép cho doanh nghiệp. Bộ LĐ-TB-XH cho biết, Hội đồng tiền lương quốc gia đã có phiên họp đầu tiên vào cuối tháng 3 vừa rồi và sẽ tiếp tục có các phiên họp nhằm thảo luận, thương lượng để  điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2023.

Về phía Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách – Pháp luật, thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia cho rẳng, thời điểm này không thể tiếp tục trì hoãn việc tăng lương, cần đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động. Bên cạnh đó, nếu tiếp tục tạm hoãn tăng lương, đến khi điều chỉnh tiền lương, cộng dồn mức tăng sẽ khiến doanh nghiệp “sốc”, vượt quá khả năng chi trả.

Cách tính lương tối thiểu vùng: 'Xác định tiền thuê nhà 194.000 đồng/tháng là phi thực tế'
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia.

PV: Thưa ông, tính từ năm 2020 đến nay, đã 2 năm Chính phủ không điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng để đảm bảo cho doanh nghiệp duy trì sản xuất, phục hồi sau dịch bệnh, theo ông, thời điểm này đã đủ điều kiện để điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng hay chưa?

Ông Lê Đình Quảng: Lương tối thiểu là mức lương thấp nhất trả cho người lao động làm việc trong điều kiện bình thường đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, đây cũng là mức sàn để bảo vệ người lao động yếu thế và là căn cứ để thương lượng tiền lương tại các doanh nghiệp.

Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương có quy định từ năm 2021, định kỳ hàng năm đều điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Trong nhiều năm mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh đều đặn mỗi năm 1 lần. Tổng hợp từ năm 2016 đến năm  2021 thì mức lương tối thiểu được điều chỉnh bình quân là 7,4%, tuy nhiên trong 2 năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn  chúng ta đã trì hoãn việc tăng lương.

Đến thời điểm này, tôi cho rằng có rất nhiều yếu tố thay đổi buộc phải đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, trong đó phải kể đến như chỉ số giá tiêu dùng, mức sống tối thiểu của người lao động, quan hệ cung cầu lao động.

Khi khảo sát tại các tỉnh thành phía Nam, nhiều doanh nghiệp áp dụng mức lương tối thiểu vùng thấp nên không thu hút được người lao động và hiện đang thiếu hụt lượng rất lớn lao động. Hay 2 năm qua lương tối thiểu vùng không tăng cũng đã tạo ra những bất ổn trong quan hệ lao động, những tháng đầu năm nay, tình trạng đình công diễn ra rất nhiều chủ yếu là đòi tăng lương.

Thời gian qua, người lao động rất khó khăn, tiền lương không đủ sống, bởi vậy khi thảo luận về việc tăng thời gian làm thêm giờ rất nhiều lao động muốn làm thêm để có thu nhập trang trải cuộc sống.

Trong khi đó, hiện nay chúng ta vẫn là điểm sáng về phát triển kinh tế, dự đoán trong quý 1/2022, GDP vẫn tăng trên 5%, khả năng của doanh nghiệp cũng đã được cải thiện nhiều. Quan điểm của Đảng và Nhà nước là tiền lương phải đảm bảo đời sống của người lao động và gia đình họ, quan tâm đến tiền lương chính là quan tâm đầu tư phát triển. Tăng lương tối thiểu giúp người lao động gắn bó với doanh nghiệp hơn, như vậy doanh nghiệp mới có điều kiện phát triển.

PV: Vậy theo ông, mức lương tối thiểu vùng nên được điều chỉnh ở mức bao nhiêu % và bắt đầu tăng từ thời gian nào?

Ông Lê Đình Quảng: Có thể nói thời gian qua doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhưng người lao động cũng đã đạt đến giới hạn chịu đựng nên chúng tôi đã đề xuất thay vì điều chỉnh như thông lệ vào 1/1 hàng năm, thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng tiền lương tối thiểu từ 1/7/2022.

Tổng Liên đoàn tha thiết đề nghị các bên của Hội đồng tiền lương Quốc gia đồng thuận chia sẻ với người lao động để họ có thể gắn bó với doanh nghiệp và phục hồi thị trường lao động.

Về mức đề xuất tăng, chúng tôi đang dự kiến các mức, song sẽ tính toán để đủ bù trượt giá (CPI) trong thời gian vừa qua. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2022, chỉ số trượt giá đã vào khoảng 2%, chưa kể đến trượt giá trong 2 năm vừa qua. Bên cạnh đó cũng cần tính đến các yếu tố khác như tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên cũng cần tính đến khả năng chi trả của doanh nghiệp. Trong 5 năm gần đây, mức tăng lương tối thiểu trung bình là 7,4%, nếu cộng dồn cả 2 năm qua có thể lên đến 14% chắc chắn các doanh nghiệp sẽ không đủ sức chịu đựng. Như vậy cần tính mức tăng hài hoàn, đảm bảo khả năng chi trả của  doanh nghiệp và cải thiện đời sống người lao động. Tới đây Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ có tính toán cụ thể sao cho đảm bảo quyền lợi của người lao động cũng như đảm bảo tránh sốc cho doanh nghiệp. 

Hiện nay Tổng liên đoàn đang có kế hoạch khảo sát đời sống công nhân lao động tại các tỉnh thành phố để có bức tranh tổng thể về đời sống việc làm người lao động năm 2022. Nghị quyết 27 đã xác định rất rõ từ năm 2024 cơ quan thống kê Nhà nước phải công bố mức sống tối thiểu làm căn cứ cho Hội đồng tiền lương Quốc gia điều chỉnh mức lương tối thiểu. Như hiện nay, việc xác định mức sống tối thiểu vẫn do bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia tính toán. Điều đáng nói là các phương pháp xác định mức sống tối thiểu hiện nay chưa hợp lý. Trong công thức này, vẫn duy trì tỷ lệ chi phí lương thực thực phẩm là 48% và phi lương thực thực phẩm là 52%, đây là tỷ lệ chỉ áp dụng với các quốc gia có điều kiện kinh tế xã hội chưa phát triển.

Hiện nay, nhu cầu về lương thực thực phẩm của người lao động ngày càng ít đi, thay vào đó là nhu cầu về văn hóa, giáo dục tăng lên, nếu này thay đổi tỷ lệ này thì mức lương tối thiểu cũng sẽ thay đổi.

Ngoài ra, trong công thức tính tiền lương tối thiểu, tiền thuê nhà của người lao động được xác định là 194.000 đồng/người/tháng. Mức tiền này hoàn toàn không phù hợp với thực tiễn, đây là những bất cập khi xác định mức lương tối thiểu vùng cần thay đổi ngay.

PV: Nhiều doanh nghiệp cho rằng, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nếu tăng lương tối thiểu vùng sẽ tạo ra áp dựng lớn cho doanh nghiệp, ông nghĩ sao về điều này?

Ông Lê Đình Quảng: Chúng tôi rất chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, tuy nhiên nhiều chuyên gia độc lập cũng chỉ ra rằng, việc tăng lương tối thiểu có lợi nhiều hơn cho người sử dụng lao động. Trong mùa dịch, dù doanh nghiệp khó khăn nhưng hầu hết các nước đều tăng lương tối thiểu để hỗ trợ người lao động và phục hồi thị trường lao động. Đây là bài học Việt Nam cần tiếp cận để thực hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước là không sử dụng lao động giá rẻ, không đánh đổi mục tiêu phát triển với cuộc sống của người lao động.

PV: Xin cảm ơn ông!/.

Theo Nguyễn Trang (Vov.vn)