Theo ông Ánh, ngày 4-4 vừa qua ông Q.Q.T. (ở Mê Linh, hiện là bệnh nhân COVID-19 số 243) đã đưa người thân đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám bệnh. Trong phiếu sàng lọc nguy cơ, do bệnh nhân không thông báo rõ tiền sử từng đến Bệnh viện Bạch Mai, nên được đi cùng chăm sóc người thân như người thân của các bệnh nhân bình thường.
Tuy nhiên, đến ngày 6-4, bệnh nhân 243 có thông báo xác nhận dương tính với COVID-19 và cơ quan chức năng đã thông báo cho Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Ông Ánh cho biết bệnh nhân 243 có điền phiếu sàng lọc, nhưng thời điểm bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai đã quá 14 ngày (từ ngày 12-3) nên bệnh nhân tích vào ô "không".
Đến ngày 5-4, bệnh nhân có quay lại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, do đó số nhân viên y tế có tiếp xúc với bệnh nhân đông hơn.
Ngày 6-4, sau khi đưa toàn bộ 16 người có tiếp xúc (F1) với bệnh nhân 243 và 67 người tiếp xúc với F1 đi cách ly tại cơ sở 2 của bệnh viện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã cho lấy mẫu toàn bộ, kể cả người thân của bệnh nhân 243 hiện vẫn đang nằm viện, để xét nghiệm. Trường hợp âm tính, những người diện F1 vẫn phải cách ly tập trung đủ 14 ngày. F2 sẽ cách ly tại nhà.
Đây là cơ sở y tế thứ 8 ở Hà Nội phải cách ly số lượng lớn nhân viên hoặc phong tỏa khu vực/toàn bộ bệnh viện sau khi phát hiện có bệnh nhân hoặc có tiếp xúc với bệnh nhân. Tình trạng này gây lo lắng do ảnh hưởng lớn tới nhân lực y tế trong khi đang có dịch bệnh.
Để tránh phát sinh những vụ việc tương tự, ngày 6-4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã có công điện gửi các bệnh viện, sở y tế, cho biết có lây nhiễm từ cộng đồng vào cơ sở khám chữa bệnh, để bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế và người bệnh đang điều trị tại bệnh viện, tất cả những người có biểu hiện lâm sàng như có ho, sốt, có tiền sử dịch tễ không rõ ràng đều được lấy mẫu xét nghiệm virus corona chủng mới ngay hoặc cách ly, chuyển tuyến đúng.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cũng yêu cầu các cơ sở y tế triển khai sàng lọc người nghi nhiễm, tất cả người bệnh, người nhà người bệnh phải mang khẩu trang và vệ sinh tay ngay từ khâu tiếp nhận. Bảo đảm đầy đủ phương tiện phòng hộ cho nhân viên y tế khi khám và điều trị cho người nhiễm và nghi nhiễm.
Trường hợp chưa khai thác được yếu tố nguy cơ, nhân viên y tế phải mặc trang phục phòng hộ khi khám, chữa bệnh.
Cho đến ngày 6-4, ngoài Bệnh viện Hồng Ngọc (bị phong tỏa sau ca bệnh của bệnh nhân 17, dỡ phong tỏa ngày 20-3), Bệnh viện Xanh Pôn (đã phong tỏa 1 khoa chấn thương chỉnh hình, hiện đã dỡ phong tỏa), còn Bệnh viện Bạch Mai đang bị phong tỏa và trên 170 cán bộ y tế bị cách ly, tính cả số nhân viên đang cách ly tạm thời của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Theo L.Anh (Tuổi Trẻ)