Các tỉnh không bị kéo dài cách ly xã hội không được làm gì và được làm gì?

16/04/2020 14:40:34

Thủ tướng đã đồng ý với việc phân loại các địa phương thành 3 nhóm: Nhóm có nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp để có biện pháp phòng chống dịch phù hợp tương ứng.

Tại phiên họp Thường trực Chính phủ chiều 15/4, Thủ tướng đồng ý chia các địa phương làm 3 nhóm: 12 tỉnh thành nguy cơ cao, 15 tỉnh thành có nguy cơ và 36 tỉnh thành nguy cơ thấp để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả.

Nhóm có nguy cơ cao gồm 12 địa phương: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22/4 hoặc 30/4, tùy tình hình cụ thể.

Nhóm nguy cơ gồm 15 địa phương là Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Thừa Thiên-Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, kết hợp thực hiện tốt Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 đến ngày 22/4. Quyết định tiếp theo sẽ được đưa ra vào ngày 22/4 tùy vào tình hình dịch bệnh.

Nhóm nguy cơ thấp gồm 36 địa phương còn lại tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 15 của Thủ tướng.

Các tỉnh không bị kéo dài cách ly xã hội không được làm gì và được làm gì?
Ảnh minh họa

Như vậy, với các địa phương không bị kéo dài thời gian cách ly xã hội sẽ không được làm gì và được làm gì?

Không được làm:

Không được tụ tập đông người.

Người dân hạn chế ra khỏi nhà và chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật cần thiết. Khi ra ngoài phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn

Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng.

Không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.

Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố sẽ quyết định cụ thể cơ sở kinh doanh dịch vụ cần đóng cửa.

Hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác.

Tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa.

Được làm:

Người dân được ra ngoài mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác. Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,… Thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

Làm việc tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở gồm: Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,…); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ...

Một số hoạt động sản xuất kinh doanh được hoạt động có điều kiện trên cơ sở bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ…

Đối với hoạt động đi lại, giao thông, tuỳ vào mức độ, nguy cơ từng địa phương sẽ có giới hạn, phương án cụ thể.

Trước đó, một số địa phương như Thanh Hóa, Đắk Lắk, Cao Bằng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Bình... dù ở trong nhóm các tỉnh có nguy cơ thấp nhưng vẫn đã có quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Cụ thể: Thanh Hóa tiếp tục thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội đến 30/4.

Các tỉnh Đắk Lắk, Cao Bằng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Bình... sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng cho đến khi có Chỉ thị mới, chỉ đạo của UBND tỉnh.

Theo Hoàng Đan (Tổ Quốc)

Nổi bật