Tại buổi họp, đại diện Bộ Y tế cho biết, từ 25/1 đến nay đã ghi nhận 389 trường hợp mắc tại 11 tỉnh, thành phố gồm:
Hải Dương (287 trường hợp), Quảng Ninh (46), Hà Nội (23), Gia Lai (18), Điện Biên (2), Bình Dương (5), Bắc Ninh (3), Hòa Bình (2), Hải Phòng (1), TPHCM (1), Bắc Giang (1). Từ 6h00 đến 11h00 sáng ngày 5/2, Việt Nam ghi nhận tổng số 14 trường hợp mắc mới tại 4 tỉnh, thành phố gồm Hải Dương (9), Điện Biên (2), Quảng Ninh (2) và Hà Nội (1 trường hợp).
Tình hình dịch bệnh trên cả nước được kiểm soát tốt
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 2 ngày trở lại đây, chỉ có 6/10 tỉnh thành ghi nhận ca bệnh mới (Điện Biên, Hải Dương, Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương, Quảng Ninh). Phần lớn các trường hợp mắc mới tại các tỉnh này là những người đã cách ly tập trung, ít có khả năng lây ra cộng đồng...
Theo Bộ Y tế, trước diễn biến mới của tình hình dịch bệnh, đặc biệt với sự xuất hiện của chủng biến thể SARS-CoV-2 mới, đòi hỏi phải có các biện pháp cấp bách, triển khai chống dịch kịp thời, hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan và bùng phát rộng tại các tỉnh, thành phố.
Bộ Y tế kiến nghị: Các tỉnh, thành phố tiếp tục tổ chức triển khai triệt để Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/01/2021 về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại thông báo 22/TB-VPCP; Thực hiện các biện pháp chống dịch cần thiết theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định tình hình dịch bệnh trên cả nước được kiểm soát tốt từ các ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh đến tình hình ở TP Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương, TPHCM…
Các đại biểu cũng đã bàn một số nội dung liên quan đến việc kiểm soát đi lại của người dân trong hoàn cảnh có dịch; điều chỉnh thời gian cách ly tập trung; đánh giá tình hình ổ dịch xuất hiện tại tỉnh Điện Biên…
Không được "ngăn sông cấm chợ”
Về việc kiểm soát đi lại của người dân tại những địa phương có dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng và sẽ sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về vùng có dịch. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định khu vực ổ dịch và phong tỏa.
Tất cả những người sinh sống trong khu vực phong toả là “nội bất xuất ngoại bất nhập”, trừ những trường hợp đặc biệt (ví dụ, người bị bệnh nặng phải đưa đi cấp cứu....) mới được ra khỏi khu vực phong toả và được kiểm soát chặt chẽ.
Những người không sinh sống trong khu vực bị phong tỏa vẫn được đi lại bình thường, chỉ cần khai báo y tế và không phải bị cách ly (trừ trường hợp đã xác định là F1, F2).
Các địa phương “không được ngăn sông cấm chợ”, không được “làm quá” yêu cầu, gây cản trở, khó khăn cho dân – Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, vừa qua nhiều tỉnh làm chưa thật chuẩn, “sợ nên làm quá, siết chặt” để dân không dám về quê.
PGS.TS Trần Đắc Phu đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành văn bản, trong đó quy định rõ về điểm dịch, vùng dịch để các địa phương có căn cứ triển khai thống nhất, tránh tình trạng mỗi tỉnh hiểu một cách.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ đang phối hợp sát với các địa phương, từ các mô hình phong tỏa trong phong tỏa được thực hiện ở TP. Chí Linh (Hải Dương) hay khoanh vùng điểm nhỏ, nhiều điểm nhỏ khoanh thành một điểm lớn ở Quảng Ninh để hướng dẫn cụ thể theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là cố gắng phong tỏa gọn nhất có thể.
Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế cần sớm ban hành hướng dẫn việc “phong toả trong phong toả”, cố gắng khoanh vùng hẹp nhất có thể, bảo đảm hàng hoá cho bà con được lưu thông trong dịp Tết.
Theo Anh Đức (Pháp Luật & Bạn Đọc)