Chỉ còn gần 3 tuần nữa, người dân cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022 dự kiến kéo dài 9 ngày. Với số ngày nghỉ lễ dài, nhiều người mong chờ được trở về quê để gặp lại gia đình sau một năm bị hạn chế di chuyển vì dịch bệnh.
Dù vậy, trước thềm năm mới, các địa phương đang ban hành quy định khác nhau về việc cách ly, khiến người dân lo lắng, bối rối.
Theo báo Zing.vn, Thanh Hóa là địa phương đầu tiên ban hành quy định cách ly người về quê ăn Tết, đồng thời ra thư ngỏ khuyến cáo, vận động người dân làm ăn xa không về quê dịp Tết nếu không thật sự cần thiết. Việc này làm dấy lên tranh cãi trong thời gian qua.
Ông Đầu Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết theo văn bản số 289 của địa phương, người về từ vùng dịch xanh và vàng không phải cách ly y tế. Người từ vùng đỏ và cam tùy theo trường hợp tiêm vaccine đủ hay chưa hoặc dựa trên việc tiếp xúc F1, F2 sẽ có từng hướng dẫn riêng. Tuy nhiên, đa số sẽ cách ly tại nhà 7 ngày.
Tương tự, Hà Tĩnh vận động người dân trở về từ vùng đỏ và cam nhưng đã tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc đã khỏi Covid-19 cam kết cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ nhất. Người tiêm chưa đủ liều vaccine cách ly 7 ngày tại nhà và tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo, xét nghiệm 2 lần trong thời gian cách ly.
Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên không yêu cầu cách ly và giám sát y tế đối với người dân về quê ăn Tết mà chỉ khuyến cáo người dân thực hiện 5K. Riêng Thừa Thiên - Huế chỉ cách ly tại nhà với người dân trở về từ vùng có mức độ dịch ở cấp 4 (vùng đỏ).
Nhiều địa phương khác ở Nam Bộ như Cà Mau, Sóc Trăng, TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang… áp dụng quy định thông thoáng, thích ứng an toàn, không quy định cách ly người về từ các tỉnh, thành phố khác.
Tuy nhiên, có một số địa phương yêu cầu cách ly tại nhà 7 ngày với người về từ vùng đỏ và cam. Theo đó, tỉnh Hưng Yên yêu cầu người ở địa phương khác trở lại tỉnh, người từ vùng dịch về địa bàn, người từ địa phương khác về quê ăn Tết, phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ hoặc test nhanh ngay khi về đến địa phương.
Người dân phải thực hiện khai báo y tế, tự cách ly tại nhà 14 ngày nếu chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc 7 ngày nếu đã tiêm đủ 2 mũi. Khi kết thúc cách ly, người dân phải tự test nhanh Covid-19, có kết quả âm tính mới được tham gia hoạt động tại cộng đồng.
Tại Phú Thọ, UBND tỉnh yêu cầu người dân trở về từ các xã, phường thuộc cấp độ 1, cấp độ 2 chủ động tự theo dõi sức khỏe 7 ngày, khuyến khích tự thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên.
Nếu trở về từ địa phương thuộc cấp độ dịch 3 và 4, người dân phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. Người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày; người chưa tiêm đủ 2 liều vaccine phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày, sau đó tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo.
Ngoài ra, Phú Thọ quy định người đến từ ngoại tỉnh trong ngày, không lưu trú lại thì chỉ cần khai báo y tế bằng quét mã QR-code tại các địa điểm đến.
Tương tự Phú Thọ, Hải Phòng yêu cầu thực hiện biện pháp cách ly người về từ vùng đỏ và vùng cam. Đồng thời, người từ vùng vàng và vùng xanh về Hải Phòng phải tự theo dõi sức khỏe trong 7-14 ngày, tương ứng với trường hợp vừa khỏi Covid-19, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và chưa tiêm đủ.
Thông tin trên báo VTC, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, nước ta đang thực hiện bình thường mới, khi chấp nhận không “Zero COVID-19” thì dù tiêm vaccine vẫn phải chấp nhận thực tế số ca mắc tăng cao.
Ngoài ra, sự ra đời của Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng quy định rất rõ về nới lỏng các hoạt động trong đó có việc đi lại và kiểm soát rủi ro. Do đó, các địa phương không nên “ngăn sông cấm chợ” vì tỷ lệ tiêm chủng vaccine ở Việt Nam ở mức cao.
“Các địa phương cần tuân thủ đúng tinh thần của Nghị quyết 128, không nên mỗi nơi một kiểu làm ảnh hưởng tới an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế. Thực tế, việc vận động hay ra những quy định như vậy trong dịp Tết vừa tạo tiền lệ không hay lại vừa tạo ra dư luận không tốt", ông Phu nói.
Đồng quan điểm với PGS.TS Trần Đắc Phu, BS Trương Hữu Khanh nói việc người dân có nhu cầu về quê ăn Tết là bình thường, các địa phương không nên quá khắt khe với việc đó. Thay bằng chuyện quy định mỗi nơi một kiểu, các tỉnh, thành phố nên tăng cường khuyến cáo người dân tuân thủ 5K, không nên tổ chức lễ hội tập trung đông người hay hạn chế việc giao lưu, gặp gỡ, nhậu nhẹt trong dịp Tết cho thực sự hợp lý.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, địa phương nào vận động, ban hành quy định con, cấm cản người dân khi về quê ăn Tết là trái với tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.
“Do phải mưu sinh nên nhiều người phải làm ăn ở rất xa, giờ mới được về quê mấy ngày mà địa phương lại vận động họ không về. Bên cạnh đó, địa phương nào mà đưa ra quy định bắt cách ly 7-14 ngày cũng là trái với tinh thần của Nghị quyết 128, gây khó dễ cho người dân. Có lẽ địa phương nghĩ rằng dịp Tết người dân về không may xảy ra dịch lại khiến họ vất vả nên tốt nhất là cấm, hạn chế chăng?”, ông Nga bày tỏ.
“Chính quyền là phải phục vụ nhân dân, không những không được cấm cản mà còn phải tạo điều kiện cho người dân về quê đón Tết, sum họp với gia đình, đó là đạo đức công vụ. Nay nhiều nơi vận động, thậm chí cấm cản, liệu đó có phải họ không muốn phục vụ người dân? Hay là họ đang sợ người dân về ăn Tết sẽ xảy ra dịch bệnh khiến họ vất vả?", ông Nga nói trên VTC.
HL (Nguoiduatin.vn)