Theo đó, chỉ thị yêu cầu lãnh đạo các vụ, cục, tổng cục trực thuộc Bộ Y tế, giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố và đơn vị y tế các ngành thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch, tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau dịp tết.
Đồng thời, yêu cầu Cục Y tế dự phòng và các đơn vị tuyến dưới tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh: Cúm A/H5N1, A/H7N9, tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, rubella, tiêu chảy do virus Rota... các bệnh dịch lây qua đường hô hấp, tiêu hóa khác...
Các sở y tế, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các công ty xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất thuốc xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc chữa bệnh; đảm bảo cung ứng đủ thuốc, có chất lượng, giá cả hợp lý; không để tình trạng tăng giá đột biến, tăng giá hàng loạt. Chú trọng sẵn sàng thuốc khi có yêu cầu phục vụ công tác cấp cứu người bệnh, phòng chống dịch bệnh.
Bộ Y tế yêu cầu tăng cường thanh kiểm tra việc thực hiện chuyên môn dược và các quy định về sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc và mỹ phẩm trên địa bàn. Chú trọng công tác phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành và hành vi đầu cơ tích trữ, đẩy giá thuốc lên cao.
Chỉ thị cũng yêu cầu các bệnh viện tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh, có kế hoạch trực 24/24 giờ. Bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc, sinh đẻ trong những ngày tết, không được từ chối hoặc để chậm trễ trong các trường hợp cấp cứu.
Đối với bệnh nhân điều trị nội trú trong bệnh viện dịp tết, tổ chức chăm sóc, phục vụ chu đáo người bệnh còn nằm lại điều trị cả về vật chất và tinh thần. Phân tuyến điều trị tại tất cả các khoa Hồi sức cấp cứu, khoa Truyền nhiễm của các bệnh viện trực thuộc bộ, các bệnh viện trực thuộc sở y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện ngành, đồng thời hướng dẫn các đơn vị bố trí kịp thời các trường hợp cấp cứu dịch bệnh, thảm họa, tai nạn giao thông, ngộ độc xảy ra.
Theo Tuấn Kiệt (Dân Việt)