Trong quá trình khám chữa bệnh cũng như các hoạt động hàng ngày của các nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân và người sử dụng dịch vụ y tế và các hoạt động chuyên môn y tế làm phát sinh rác thải nhựa như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, vật liệu, đồ dùng trong y tế. Trong đó, đa số chất thải nhựa là các túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt, phòng, chữa bệnh. Theo thống kê của ngành y tế, trên cả nước, ngành y tế có hơn 13.000 cơ sở y tế, khoảng 150 triệu bệnh nhân nội trú, khoảng 450 triệu lượt bệnh nhân ngoại trú hàng năm, vì vậy chất thải từ các nguồn trên là rất lớn.
Từ thực tế trên, mới đây Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã kêu gọi ngành y tế hạn chế rác thải nhựa. Cụ thể, các bệnh viện hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni lông khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị… thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ của đơn vị… Đồng thời thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định. Nhiều bệnh viện đã hưởng ứng lời kêu gọi hạn chế rác thải nhựa bằng những hành động tích cực.
Tại bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, ngay từ đầu tháng 7 bệnh viện đã sử dụng túi giấy phát thuốc cho người bệnh thay túi nhựa. ThS. Đặng Anh Long, Phó Bí thư Đảng bộ bộ phận Bệnh viện cho biết, ban đầu, người bệnh rất ngạc nhiên khi nhận túi giấy, nhưng từ khi chương trình diễn ra đều đặn, đồng thời nhân viên y tế tích cực tuyên truyền về ý nghĩa bảo vệ môi trường thì mọi người đều hào hứng, ủng hộ bệnh viện thực hiện thay đổi này.
Tương tự, tại bệnh viện Bình Dân, gần hai tháng nay các nhà thuốc của bệnh viện cũng đã thay thế túi đựng thuốc bằng giấy thay vì túi ni lông như trước đây. Các túi giấy đựng thuốc này được thiết kế với các kích cỡ khác nhau như loại đựng 0,5 kg, 1 kg, 2 kg đến 7 kg… Chị Trần Thị Nhung, Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Bình Dân, cho biết dùng túi giấy thay cho túi ni lông đựng thuốc được thực hiện tại tất cả 4 quầy thuốc của bệnh viện. Bên cạnh đó, những chai nước nhỏ tiện lợi phục vụ trong các cuộc họp cũng đều được thay bằng các loại bình nước lớn 20 lít dùng ly thủy tinh, ly giấy…
Bên cạnh đó, các bệnh viện còn tuyên truyền cho bệnh nhân và nhân viên y tế, căn tin trong bệnh viện hạn chế rác thải nhựa. Bà Nguyễn Thị Tâm, Chủ tịch Công đoàn bệnh viện quận Thủ Đức, cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi “nói không với rác thải nhựa”, bệnh viện đã tuyên truyền, hướng dẫn từ nhân viên đến người bệnh không sử dụng các sản phẩm ly nhựa, hộp nhựa sử dụng một lần, thay vào đó là sử dụng ly sành sứ, ca men, bình đựng nước sử dụng nhiều lần
Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh nhiều hoạt động ý nghĩa chung tay bảo vệ môi trường như tổ chức chương trình “Giảm rác thải nhựa – Tăng màu sống xanh năm 2019”. Đây là sân chơi ý nghĩa, bổ ích dành cho nhân viên bệnh viện, cùng chung tay hạn chế rác thải nhựa và nâng cao ý thức việc tái sử dụng các rác thải nhựa tại chính đơn vị công tác, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa mỗi ngày. Điển hình như tại khoa Dược, rác được tiến hành phân loại tại nguồn, phân biệt rác thải giấy tái chế được (vỏ hộp thuốc bằng giấy) và rác thải không tái chế được (bao gói, túi nilon, chai nhựa…) Các loại chai, lọ đựng thuốc bằng nhựa hàng ngày cũng bị thải ra một lượng lớn, do đó khoa Dược có ý tưởng tái chế hộp thuốc thành những vật dụng phục vụ cho công việc như lọ đựng bút, chậu cây, đồng hồ…
Các bệnh viện cho biết, hiện nay việc sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường khiến cho chi phí chi thường xuyên của bệnh viện tăng so với khi dùng túi ni lông. Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc bệnh viện Quận Thủ Đức cho hay, hiện những loại vật liệu thân thiện với môi trường có giá cao. Để người dân sử dụng những loại vật liệu thân thiện với môi trường và hạn chế các loại vật dụng nguy hại tới môi trường như túi ni lông, nhựa dùng một lần thì cần phải có chính sách hỗ trợ về giá đối với những đồ dùng thân thiện với môi trường.
Theo Đan Phương (Báo Tin Tức)