Tiếp xúc cử tri tỉnh An Giang, các đại biểu Quốc hội ứng cử tại địa bàn khẳng định quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Vụ Trịnh Xuân Thanh vừa qua, Đảng đã kỷ luật hàng loạt cán bộ. Cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng phát biểu, bằng mọi cách di lý Trịnh Xuân Thanh về nước "quy tội".
Mở đầu phấn ý kiến của cử tri gửi đến các đại biểu, ông Lê Phước Hòa – tổ 15, ấp Mỹ Hội đại diện cho 92 hộ dân chưa có nhà ở do sạt lở gây ra kể, hơn 2 tháng qua bà con sống quá khổ sở với cảnh ở nhà thuê, nương tựa nhà chùa, trường học để chờ nhà mới ở khu dân cư. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa hoàn thành việc sang lắp mặt bằng. Như vậy đến khi nào người dân mới có nhà ở?
Ông Lê Phước Hòa – tổ 15, ấp Mỹ Hội đại diện cho 92 hộ dân chưa có nhà kiến nghị với đại biểu Quốc hội xem xét giúp dân sớm có nơi ở ổn định |
Ông Hòa kiến nghị, trong thời gian chờ khu dân cư, chính quyền xem xét khu nào an toàn thì cho dân vào ở, vì hiện nay bản thân gia đình ông và nhiều hộ dân khác có người lớn tuổi, bệnh đau, sống nay chết mai… "Lỡ chuyện đó xảy ra, chẳng biết nhà đâu cho con cháu làm tang lễ?" - ông Hoà nói như khóc.
Ông Phạm Văn Sơn cũng kiến nghị, sau vụ sạt lở, nhiều tin đồn làm hoang mang người dân địa phương, nhiều người dân hiếu kỳ ở các tỉnh khác đến xem làm mất an ninh trật tự địa phương. Do đó, các cấp chính quyền cần sớm giải quyết vấn đề này, xây dựng khu dân cư để người dân vào ở; tiến hành lắp hố xoáy, xây dựng bờ kè để đảm bảo đời sống người dân vùng sạt lở.
Nhiều cử tri khác đặt vấn đề về tình trạng trồng lúa, hoa màu đều bị thua lỗ; bà con nông dân hiện nay rơi vào tình trạng được mùa mất giá hay cảnh mất mùa vì biến đổi khí hậu; nhiều người dân chẳng biết chuyển đổi cây trồng, vật nuôi gì để ổn định kinh tế…
Đặc biệt, đại biểu Phạm Văn Sơn còn trăn trở sự quyết tâm của Đảng, nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng. Cử tri Sơn nêu cụ thể sự việc ông Trịnh Xuân Thanh, đến nay vẫn chưa xử lí được…
Trả lời cử tri Sơn, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội trấn an: "Bà con cử tri an tâm về công tác này, thời gian qua Đảng và Nhà nước đang làm quyết liệt công tác phòng chống tham nhũng. Như vụ ông Trịnh Xuân Thanh, vừa qua đã kỉ luật hàng loạt cán bộ liên quan. Tổng Bí thư và Chủ tịch nước đã nói bằng mọi cách phải di lý Trịnh Xuân Thanh về nước để xử lý theo quy định pháp luật".
Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội động viên bà con bị mất nhà vì sạt lở cảm thông với địa phương |
Trong phần trả lời các cử tri, ông Giàu giành nhiều thời gian chia sẻ sự khó khăn của bà con bị mất nhà vì sạt lở. Ông Giàu động viên người dân cảm thông, cùng hợp tác, không trở lại nhà ở vì rất nguy hiểm đến tính mạng.
Ông Giàu đề nghị chính quyền địa phương cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu dân cư, vì địa phương đã xác định đây là dự án ưu tiên số 1 nhưng đến nay vì lí do gì, dân chưa có nền nhà?
Ông Giàu cũng hứa sẽ trao đổi trực tiếp với Bí thư tỉnh ủy An Giang để sớm xây dựng khu dân cư, ổn định cuộc sống cho người dân vùng sạt lở.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Thanh Phong – Chủ tịch UBND xã Mỹ Hội Đông cho biết, trong vụ sạt lở vừa qua có 106 hộ dân bị mất nhà, trong đó có 14 hộ có nhà bị kéo sụp xuống sông vào sáng 22/4. Với các hộ này, địa phương đã bố trí đất nền, bà con đã có chỗ ở ổn định. Riêng 92 hộ còn lại (trong diện di dời khẩn cấp) đang tá túc nhà người thân, nhà trường, chùa… hiện gặp nhiều khó khăn trong đời sống.
Trong khi đó, khu dân cư rộng 4,8ha cách nơi ở người dân khoảng 3km, nằm lọt thỏm trong đồng ruộng ấp Mỹ Thuận. Hiện khu vực mới đắp xong bờ bao quanh, chưa hoàn thành việc sang lắp mặt bằng vì thiếu cát. Tuy nhiên người dân không đồng ý với cách giải thích của chính quyền địa phương về sự chậm trễ triển khai dự án.
Theo Nguyễn Hành (Dân Trí)