Cà Mau nợ 300 tỷ, không còn tiền trả lương cho công chức

03/12/2015 19:16:15

Hiện nay, UBND TP.Cà Mau thâm hụt ngân sách, nợ khoảng 300 tỷ đồng và nhiều khoảng nợ không biết lấy tiền ra chi trả. Đặc biệt, cơ quan này không còn đủ tiền để trả lương cho công nhân viên chức.

Hiện nay, UBND TP.Cà Mau thâm hụt ngân sách, nợ khoảng 300 tỷ đồng và nhiều khoảng nợ không biết lấy tiền ra chi trả. Đặc biệt, cơ quan này không còn đủ tiền để trả lương cho công nhân viên chức.

So với các thành phố khác ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TP.Cà Mau được xem là một nơi phát triển về kinh tế. Nhiều công trình xây dựng được triển khai. Thế nhưng báo cáo tình hình ngân sách TP.Cà Mau, không ít cơ quan chức năng giật mình trước kiểu quản lý kinh tế khá lạ dẫn đến việc mất cân đối tài chính với số tiền khủng.
 
Ông Huỳnh Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Cà Mau (bìa trái)  - Ảnh: Báo Cà Mau
 
Năm 2012, nguồn ngân sách thành phố khoảng 494 tỷ đồng nhưng chi ngân sách hơn 555 tỷ đồng mất cân đối gần 50 tỷ đồng. Để đủ điều kiện quyết toán ngân sách, TP.Cà Mau điều chỉnh số tiền mất cân đối trên sang năm sau. Cuối năm 2013, TP.Cà Mau chi ngân sách gần 628 tỷ đồng trong khi nguồn của thành phố chỉ 536 tỷ đồng. Ngân sách tiếp tục mất cân đối hơn 90 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Cà Mau giải thích, nguyên nhân mất cân đối là do... khách quan. Ông Dũng giải bày: “Thu ngân sách nhà nước không đạt, nguồn thu điều tiết cho thành phố hụt gần 15 tỷ đồng; nguồn thu quỹ bán nhà do thành phố quản lý dự toán 12,8 tỷ đồng nhưng thực hiện chỉ có 2,8 tỷ đồng; thu tiền bồi hoàn của Công ty Tài Lộc hụt thu cân đối gần 3,1 tỷ đồng, tăng chí phí đầu tư xây dựng dựng cơ bản gần 14 tỷ đồng...”

Do mất cân đối, ngân sách không còn vốn để chi, TP.Cà Mau mượn “đầu heo nấu cháo” việc thực hiện các công trình xây dựng cơ bản. Ngày 27-12-2013, UBND tỉnh Cà Mau có quyết định phê duyệt Dự án cầu qua sông Tắc Thủ, thuộc đường Vành đai 1 với mức đầu tư hơn 62 tỷ đồng giao cho Chủ tịch UBND TP.Cà Mau làm chủ đầu tư.

Dự án trong thời gian hoàn thành bước chuẩn bị đầu tư, Chủ đầu tư quyết định mượn gần 47 tỷ đồng để chi trả cho các nhà thầu thực hiện các công trình xây dựng cơ bản. Đến nay, TP.Cà Mau không biết lấy nguồn đâu trả lại.

Nợ như “chúa chổm”

Ngoài mất cân đối và nợ ngân sách tỉnh, TP.Cà Mau gánh hàng chục món nợ với số tiền nhiều tỷ đồng. Tính đến ngày 22-11-2015, TP.Cà Mau nợ đọng xây dựng cơ bản gần 61 tỷ đồng. Thới gian dài, TP.Cà Mau nợ nhiều nhà thầu trong việc thi công hạ tầng trên địa bàn thành phố.
 
Dù ngân sách khó khăn, năm 2014, TP.Cà Mau thi công 2km đường Ngô Quyền đang còn sử dụng được làm mới với mức đầu tư 106 tỷ đồng

Năm 2012, TP.Cà Mau nợ hơn 55 tỷ đồng. Đến năm 2013 nợ gần 41 tỷ đồng. Năm 2014 nợ lên đến 95 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều công ty trở thành chủ nợ của UBND TP.Cà Mau. Điển hình, Công ty TNHH một thành viên Môi trường Đô thị Cà Mau khó khăn bị TP.Cà Mau không thanh toán tiền hơn 14 tỷ đồng. Trong đó, tiền vệ sinh đô thị từ tháng 5 đến tháng 9-2015 là 8,6 tỷ đồng; nợ 6 tháng tiền chiếu sáng đô thị 1,5 tỷ đồng; nợ 6 tháng tiền công tác cây xanh gần 3,4 tỷ đồng và 600 triệu đồng tiền sửa chữa hệ thống chiếu sáng công công của 6 tháng đầu năm...

Hiện TP.Cà Mau đang nợ cơ quan Bảo hiểm xã hội 19 tỷ đồng, nợ tiền điện chiếu sáng công cộng tháng 10 và 11 là 1 tỷ đồng; nợ các đơn vị thi công duy tu, bảo dưỡng đường nội ô, cây xanh, điện chiếu sáng, quy hoạch hơn 56 tỷ đồng... Nợ tiền sửa chữa trường lớp năm 2014-2015 là 7,2 tỷ đồng.

Về số nợ trên, TP.Cà Mau khẳng định, chưa có nguồn bổ sung chi trả. Đặc biệt, TP.Cà Mau còn nợ ngân sách tỉnh số tiền hơn 15 tỷ đồng để tạm ứng kinh phí nguồn thu phí bảo vệ môi trường, kinh phí xây dựng hạ tầng nông thôn... không biết lấy nguồn nơi đâu mà chi trả. Đến thời điểm hết năm, ngân sách thành phố trong điều kiện không còn tiền để chi trả lương cho cán bộ công chức.
 
Trao đổi với PV, chiều 2-12, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, vừa qua, UBND TP.Cà Mau có công văn xin tạm ứng ngân sách 50 tỷ năm 2016 để giải quyết khó khăn. UBND tỉnh giao cho Sở Tài chính kiểm tra tình hình sử dụng tài chính tại thành phố. Khi có báo cáo, kết luận chính thức, Sở Tài chính sẽ đề xuất với tỉnh xem xét và có hướng xử lý.
 
>> Thành ủy Bạc Liêu không chỉ hết tiền mà còn... nợ nần chồng chat
>> Vì sao Thành ủy Bạc Liêu lâm cảnh túng thiếu, nợ nần?
>> Bệnh viện đòi nợ Thành ủy Bạc Liêu
>> Thành ủy Bạc Liêu không còn tiền hoạt động?

Theo Thiện Thảo (Công An TPHCM)

Nổi bật