Đường ưu tiên cho BRT đang gây lãng phí?
Tuyến buýt nhanh BRT 01 có lộ trình Kim Mã - Yên Nghĩa với tổng chiều dài 14km, đi qua những tuyến đường có mật độ phương tiện cao bậc nhất Hà Nội như: Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Quang Trung, Lê Trọng Tấn.
Vào giờ cao điểm buổi sáng và chiều, các tuyến đường này thường xuyên ùn tắc khiến xe buýt nhanh không thể đi nhanh như kỳ vọng, dù đã được dành hẳn một làn đường riêng.
Hàng ngày đi làm bằng xe máy dọc tuyến buýt nhanh BRT 01, chị Nguyễn Minh ở Mộ Lao (Hà Đông) cho rằng, tình trạng ùn tắc tại tuyến đường Tố Hữu có một phần nguyên nhân đến từ tuyến BRT. Việc xe cá nhân chỉ được đi trong 2 làn bên ngoài, làn còn lại phải dành riêng cho buýt nhanh nên ùn tắc là tất yếu.
“Hầu như ngày nào cũng vậy, đường dành cho xe cá nhân tắc cứng, đường BRT thì vắng vẻ, phải 5-10 phút mới có chuyến buýt nhanh đi qua. Vì sợ camera ghi hình phạt nguội nên đa số không dám đi vào làn BRT.
Việc dành đường ưu tiên cho BRT đang gây lãng phí hạ tầng giao thông khi đường ưu tiên không thể phát huy hết năng lực cho xe thông qua”, chị Minh chia sẻ.
Bất cập và ùn tắc
Thực tế, đã có không ít trường hợp điều khiển phương tiện cá nhân do thấy đường tắc nên lấn làn BRT bị camera ghi hình phạt nguội.
Anh Trần Quốc Việt ở quận Đống Đa cho biết, có lần anh lái xe ô tô qua đường Lê Văn Lương, do đường tắc nên đã đi vào làn BRT và bị camera ghi hình phạt nguội.
Chỉ đến khi đưa xe đi đăng kiểm, anh Việt mới được thông báo bị phạt do xe ô tô lấn làn buýt nhanh.
Anh Việt cho rằng, Hà Nội nên đánh giá lại việc có nên duy trì dành đường ưu tiên cho BRT hay không, bởi các tuyến đường buýt nhanh đi qua rất hẹp, phương tiện cá nhân ùn tắc đứng chờ xếp hàng dài.
Giờ cao điểm xe máy chiếm hết phần đường BRT nên buýt nhanh hoạt động không hiệu quả, trong khi ô tô lấn làn là bị phạt ngay.
Ông Lê Tấn (Hà Đông) hàng ngày đi qua đường BRT cho biết, việc Hà Nội lắp camera phạt nguội rõ ràng chỉ có tác dụng với ô tô, còn xe máy thì phạt không xuể vì vi phạm quá nhiều.
Ghi nhận thực tế giờ cao điểm sáng 8/6, trên đường Lê Trọng Tấn, Tố Hữu (Hà Đông) cho thấy, luôn có 1 hàng dài ô tô xếp hàng để chờ đi qua các ngã ba, ngã tư. Còn xe máy thì “vô tư” đi vào làn đường dành riêng cho BRT.
Thực tế này khiến các chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ phân làn trên đường phải phân luồng phương tiện đi vào làn BRT để giảm ùn tắc.
Nên bỏ đường ưu tiên buýt nhanh, phân làn tách biệt ô tô, xe máy
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, BRT hoạt động không hiệu quả là điều không ai mong muốn. Đối với một dự án thử nghiệm đúng là cần có thời gian để đánh giá, tuy nhiên với tuyến BRT 01 Hà Nội hoạt động 4-5 năm không hiệu quả (hoặc hiệu quả thấp) thì cần phải có giải pháp để bố trí lại cho phù hợp.
“TP Hà Nội cần có đánh giá và đưa ra giải pháp xử lý bất cập của BRT. Theo đó có thể nghiên cứu bỏ làn ưu tiên BRT, bố trí buýt nhanh hoạt động như buýt thường. Đồng thời nên phân làn cho ô tô và xe máy riêng biệt để thuận tiện cho việc đi lại của người dân”, ông Thuỷ nói.
Theo ông Thuỷ, ở một số nước như Ecuador, Đài Loan, Nhật Bản, BRT cũng được bố trí làn ưu tiên, nhưng đường họ rộng (ít nhất 4 làn), trên đường không có nhiều phương tiện cá nhân như Việt Nam nên hoạt động rất hiệu quả.
"Ở nước ta đường hẹp, giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại hàng ngày, người dân vẫn phải sử dụng phương tiện cá nhân là chủ yếu nên việc dành đường ưu tiên cho buýt nhanh không thể đem lại hiệu quả như kỳ vọng" - ông Thủy nói.
Một cán bộ điều hành quản lý giao thông Hà Nội cho biết, UBND TP Hà Nội đang cho các đơn vị liên quan đánh giá hoạt động của BRT sau khi có nhiều ý kiến khác nhau về tính hiệu quả của buýt nhanh.
“Việc được bố trí làn đường ưu tiên giúp BRT đi nhanh hơn, vận chuyển được nhiều hành khách hơn. Tuy nhiên do còn nhiều ý kiến khác nhau về tính hiệu quả của BRT nên UBND TP Hà Nội đang cho các đơn vị liên quan đánh giá tổng thể.
Việc có thay đổi cách thức vận hành BRT hay không, phải chờ có đánh giá cụ thể về tính hiệu quả”, vị này cho biết.
Theo Gia Văn - Đình Hiếu (VietNamNet)