Chỉ toàn những vệt lướt nhanh cảnh vật trên đường, chỉ đọng lại từng khối hình ảnh những chiếc giường bệnh, các ô buồng bệnh, máy móc thiết bị y tế đang hoàn thiện ở bệnh viện Phổi tỉnh, Bệnh viện dã chiến tại nhà thi đấu tỉnh; cái mùi nồng khử khuẩn trong bệnh viện, xộc qua cả lớp khẩu trang y tế; những hình ảnh anh/chị/em nhân viên y tế tại các điểm mặc quần áo bảo hộ, màu trắng, màu xanh đặc trưng của ngành mà rồi cuối cùng mình chẳng nhớ rõ mặt ai...
Bắc Giang đang đúng là một trận địa vùng nóng với từng lớp tướng lĩnh chỉ huy và đội quân làm theo mệnh lệnh. Ở đó, mọi chiến sĩ hối hả và hăng say chuẩn bị "áo giáp sắt", vũ khí, quân y để sẵn sàng chiến đấu lại kẻ địch vô hình nhưng tính mạng con người là hữu hình... Quyết giành giật sự sống, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân.
Trong cơn mê của từng lớp ký ức bộn bề xếp chồng lên nhau, tâm hồn như được cứu rỗi khi hình dung được khoảnh khắc tiếp xúc với các sinh viên tràn đầy nhựa sống của Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương về hỗ trợ tỉnh Bắc Giang chống dịch.
Đó là hình ảnh những khuôn mặt tươi tắn sau lớp khẩu trang y tế, đó là giọng nói hồn nhiên, kể chuyện líu lô khi được hỏi; đó là hình ảnh các cháu chạy vội, cười khúc khích vì xấu hổ khi được Thủ trưởng vào phòng ở thăm hỏi tình hình sức khoẻ, ăn ngủ...
- "Thôi, mình ra khu vực khác không các cháu nó xấu hổ".
212 sinh viên năm 2 đến năm 5 của y đa khoa, xét nghiệm, điều dưỡng... và 3 thầy cô của trường đã ở Bắc Giang từ ngày 16/5 đến nay, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng tại thành phố Bắc Giang và điểm nóng của dịch tại huyện Việt Yên. Đoàn quân này là những con người đã được huấn luyện tại đợt dịch ở Hải Dương, và nay, thầy cô và các em lại tiếp tục lên đường xông vào trận địa Bắc Giang này. Các em sinh viên đã giúp cho tỉnh Bắc Giang lấy 120.000 mẫu xét nghiệm của 112.000 dân đến tại thời điểm này.
Địa điểm các em ở lưu trú là của trường mầm non tư thục trên địa bàn, tức là phải sắp xếp lại phòng ốc, khu vực ăn uống, khu vực tiếp nhận nhu yếu phẩm... Chắc chắn điều kiện ăn ở không thể bằng được ở nhà nhưng vẫn thấy trên từng khuôn mặt toát lên nụ cười, ánh mắt đầy hy vọng, cái sức trẻ đó đã truyền cho mình thêm sức mạnh...
Từ hôm đi "nằm vùng", chưa bao giờ mình "gạ gẫm" chụp ảnh selfie với những người mới quen trong vùng dịch. Nhưng hôm nay, mình đã rủ 2 em sinh viên "đặc biệt" chụp ảnh cùng. Đó là 2 chàng trai "đầu trọc" gây ấn tượng. Khi hỏi sao lại có 2 bạn đầu trọc thì các bạn giải thích là cắt như vậy sẽ thuận lợi hơn cho việc mặc quần áo bảo hộ, tránh vướng víu còn dễ vệ sinh thân thể trong vùng dịch và đơn giản là các em thấy tiện lợi với kiểu đầu này, đỡ phải nghĩ chị ạ!
Dừng lại nói chuyện lâu hơn, hỏi tên thì các em bảo:
- Thưa chị, em tên là Nguyễn Đăng Ninh, em tên là Nguyễn Hải Phong. Chúng em đều sinh năm 1999 ạ!
- Chúng em đều là các trưởng nhóm của đội ở đây và là sinh viên năm 4, học y đa khoa ạ!
- Chúng em đều đã được đào tạo ở trường và đi về Hải Dương chống dịch và nay lại đến đây.
- Giờ e lại về quê chống dịch ạ!
-Ồ, thế nhà em ở đâu?
-Dạ, nhà em cách đây 500m ạ.
- Bố mẹ e ở đó ư?
-Vâng ạ! Thế có trốn về nhà thăm bố mẹ không đấy?!
- Dạ, tất nhiên không rồi ạ! Phải tuân thủ quy định chống dịch chứ chị! Em không về nhà mà ở đây suốt thôi ạ!
-Ừ em nhé! Vì sức khoẻ của bố mẹ mình, người thân và của chính mình. Làm vậy là đúng rồi!
Cố gắng tiếp tục bền chí dai sức để giúp quê hương chiến thắng trận này, các em nhé!
Theo Nguyễn Phương Thảo (Sức Khỏe & Đời Sống)