Gần 9h ngày 7/1, lần đầu tiên BOT Sóc Trăng xả trạm sau nửa năm hoạt động. Nguyên nhân do một số tài xế chạy xe mang biển số tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai... dừng tại cabin thu phí nhưng không chịu mua vé rồi mở cửa bước ra ngoài.
Khoảng 10 phút sau, 3 làn thu phí hướng Sóc Trăng đi Cần Thơ bị kẹt xe hơn 500 m. Để đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực trạm thu phí và giao thông đảm bảo được thông suốt, Công ty TNHH BOT Quốc lộ 1 Sóc Trăng (BOT Sóc Trăng) quyết định xả trạm tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH BOT Quốc lộ 1 Sóc Trăng, cho biết nhà đầu tư xác định quốc lộ 1 luôn thông tuyến là ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, dù chỉ có hướng Sóc Trăng đi Cần Thơ bị kẹt xe cục bộ (hướng Cần Thơ đến Sóc Trăng xe lưu thông bình thường) nhưng BOT Sóc Trăng vẫn quyết định xả trạm.
"Khi nào tình hình ổn định thì trạm sẽ bán vé trở lại. Nếu thấy kẹt xe thì chúng tôi lại xả trạm", ông Phương khẳng định.
Theo lãnh đạo nhà đầu tư BOT Sóc Trăng, trong nửa năm hoạt động ngày nào doanh nghiệp cũng lỗ khoảng 100 triệu đồng. Nếu tiếp tục duy trì tình trạng này thì khả năng doanh nghiệp phá sản là chuyện khó tránh khỏi.
"Mỗi tháng lỗ 100 triệu thì một năm chúng tôi lỗ 36 tỷ đồng. Lỗ như thế này thì chỉ có thể cầm cự được một thời gian ngắn", lãnh đạo BOT Sóc Trăng chia sẻ.
Dự án BOT Sóc Trăng bắt đầu từ cầu Trà Quýt, xã Thuận Hòa của huyện Châu Thành đến xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) có tổng chiều dài 16,22 km. Trong đó, đoạn mở rộng quốc lộ 1 thuộc xã Thuận Hòa (Châu Thành) đến cửa ngõ TP Sóc Trăng dài 8,54 km và đường tránh 7,68 km.
Trạm thu phí BOT Sóc Trăng đặt tại Km 2123 + 250 trên quốc lộ 1, hoạt động lúc 0h ngày 1/6/2017. Tùy theo loại xe mà giá vé tại trạm này lần lượt là 25.000, 35.000, 40.000, 70.000 và 140.000 đồng.
Đến 10h cùng ngày, BOT Sóc Trăng vẫn chưa thu phí trở lại.
Theo quyết định phê duyệt dự án ngày 27/12/2014 của Bộ Giao thông Vận tải, BOT Sóc Trăng có tổng vốn đầu tư 1.419,2 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 18 năm 9 tháng. Còn theo lãnh đạo nhà đầu tư thì vốn đầu tư thực tế của BOT Sóc Trăng chỉ gần 1.200 tỷ đồng và doanh nghiệp đang lỗ mỗi ngày khoảng 100 tỷ đồng vì tiền bán vé không đủ đóng lãi và chi phí quản lý.
Theo Việt Tường (Tri Thức Trực Tuyến)