Một con số được đưa ra tại Ủy ban Thường vụ QH trong phiên họp năm ngoái là trên toàn tuyến QL1 có tới 37 trạm thu phí. Trong số này quá nửa là trạm thu phí của các dự án BOT. Nhưng điều ngạc nhiên nhất là có tới 8 trạm BOT bị đặt nhầm chỗ gây bức xúc dư luận.
Đây là các trạm BOT tuyến tránh QL1 qua các thị xã, thành phố. Nói một cách khác, các nhà đầu tư làm đường BOT một đằng nhưng lại đặt trạm ở “xương sống” QL1 và trở thành những “khối u”. BOT Cai Lậy - Tiền Giang chính là một “khối u” như vậy.
8 “khối u” - hàng trăm bức xúc
Khi những vấn đề của trạm BOT Cai Lậy được làm sáng tỏ và bản chất của nỗi bức xúc trong dân chính là trạm thu phí lẽ ra phải được đặt ở đường tránh thì dời ngay ra QL1. Điều này khiến các chủ phương tiện dù không sử dụng đường BOT vẫn phải trả tiền. Việc sử dụng tiền lẻ như một cách phản đối sự vô lý này đã từng xảy ra ở nhiều trạm thu phí BOT “đặt nhầm chỗ” khác.
Ở Thanh Hóa, tuyến tránh TP.Thanh Hóa dài 9,98km, với tổng mức đầu tư 822 tỉ đồng theo hình thức BOT thu phí từ 2009. Để đảm bảo hoàn vốn, nhà đầu tư được thu phí tại trạm Tào Xuyên - nằm ngay QL1, không liên quan gì tới “tuyến tránh” với mức thu phí bằng 2 lần mức thu phí đường bộ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Sau đó, trạm Tào Xuyên lại tiếp tục được thay thế bằng trạm Dốc Xây từ năm 2012 - cách tuyến tránh dự án BOT tới… 50km. Mới đây sau khi kiểm toán và chính nhờ “lợi thế nhầm chỗ” được đặt trên xương sống QL1, dự án tuyến tránh Thanh Hóa giảm tới… 20 năm thu phí.
Vị trí các trạm thu phí đường tránh Cai Lậy (Tiền Giang). |
Vô lý tương tự xảy ra với dự án BOT Phú Tượng - Phú Gia đặt trạm ở thị trấn Lăng Cô không hề liên quan gì đến hai hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) mà Cty cổ phần Phước Tượng - Phú Gia đầu tư, xây dựng.
Nhưng gây bức xúc trong dư luận là “khối u” trạm BOT cầu Bến Thủy. Cầu Bến Thuỷ 1 bắc qua sông Lam, nối Nghệ An và Hà Tĩnh được xây dựng năm 1990, dài 630m. Năm 2012, cầu Bến Thủy 2 được xây dựng thêm song song và cách cầu cũ 800m, nằm trên trục đường BOT tuyến tránh thành phố Vinh và quốc lộ 1A mở rộng đoạn Nam Bến Thủy dài 35km.
Để hoàn vốn, nhà đầu tư là TCty cổ phần xây dựng giao thông Cienco 4 (thuộc Bộ GTVT) đặt trạm thu phí ở đầu hai cầu Bến Thủy 1 và 2 phía tỉnh Nghệ An. Người dân ở Hà Tĩnh chỉ ngay ra bất hợp lý: “Một người dân Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đi khám bệnh ở TP.Vinh chi 40.000 đồng taxi, nhưng phải trả thêm 80.000 đồng phí BOT trong khi không sử dụng bất cứ mét đường BOT nào”. Và để phản đối trạm này trong đợt tăng giá hồi cuối 2016, người dân đã dùng chiêu “trả bằng tiền lẻ”, “đỗ xe chắn trạm…”.
Đường tránh Thanh Hóa bị đặt nhầm chỗ, gây bức xúc. |
Một “khối u” nổi tiếng khác là trạm Quán Hàu (Quảng Bình) đặt trên QL1 có “nhiệm vụ” thu triệt để phương tiện giao thông (ôtô) qua đây dù đoạn BOT tuyến tránh Quảng Bình nằm ở nơi… hoàn toàn khác.
Điểm mặt còn có những dự án tuyến tránh TP.Biên Hòa, tuyến tránh qua Sóc Trăng… đều có tình trạng này.
Điệp khúc “không đặt ở QL1 thì không thu hồi vốn”
Lý giải cho những trạm BOT đặt nhầm chỗ chẳng khác nào những “khối u” gắn vào xương sống QL1 vốn đã dày đặc trạm thu phí, tất cả các nhà thầu, thậm chí cả Bộ GTVT cũng thừa nhận rằng, nếu không được đồng ý đặt trạm như vậy thì không đầu tư.
2 trạm thu phí đường tránh Vinh (Nghệ An) cũng gây bức xúc. |
Trong văn bản ra ngày 15.8.2017 về việc “báo cáo bất cập, đề xuất phương án xử lý đối với trạm thu phí Cai Lậy - Tiền Giang”, Tổng cục Đường bộ gửi Bộ GTVT cũng xác nhận: “Về vị trí đặt trạm thu phí như hiện nay (km 1999 + 300 QL1) đã có sự đề xuất, thống nhất của UBND tỉnh Tiền Giang (văn bản số 4717 ngày 2.10.2015), của Bộ Tài chính (văn bản số 17593) và Bộ GTVT (văn bản 16189). Việc đặt trạm thu phí trong phạm vi dự án là phù hợp và đảm bảo phương án tài chính khả thi của dự án. Có vị trí đặt trạm thu phí như hiện nay thì nhà đầu tư mới ký hợp đồng tham gia dự án và mới có dự án như hiện nay”.
Trong văn bản, Tổng cục Đường bộ cũng thừa nhận, ngoài trạm Cai Lậy thì trên toàn tuyến QL1 có 7 trạm khác tương tự đang thu phí.
Để “hợp thức hóa” Cty TNHH BOT đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, chủ đầu tư dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy cho rằng sở dĩ được chấp thuận như vậy ngoài sự đồng ý của tỉnh, các bộ thì họ cũng đầu tư 300 tỉ để bảo trì, tăng cường tuyến đường QL1 (cũ).
Tài xế tiếp tục chuẩn bị ‘núi’ tiền lẻ để qua trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang. Ảnh: T.L |
Như vậy có thể thấy rõ việc “phải được đặt trạm ở QL1” là một trong những điều kiện đầu tư. Trả lời báo chí về việc có thể di dời các trạm BOT nhầm chỗ hay không, chính Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cho rằng: “Việc điều chỉnh, di chuyển trạm là không làm được, vì khi đặt vị trí trạm đã thỏa thuận giữa các bộ, địa phương cho phép chủ đầu tư được thu phí.
Về cơ bản các trạm BOT đã đảm bảo khoảng cách, vị trí xa dân cư, không ảnh hưởng đến hoạt động vận tải quá lớn trong các khu dân cư. Trước khi đặt trạm chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ, dù đặt ở đâu thì người dân hai bên trạm đều bị ảnh hưởng, nên sẽ có chính sách miễn giảm cho người dân khu vực này. Chỉ những trạm không đảm bảo vị trí mới di dời”.
Với riêng trạm Cai Lậy, có một giải pháp đưa ra là kéo trạm thu phí về đúng vị trí (nghĩa là chỉ thu các phương tiện qua đường tránh) thì Nhà nước sẽ bồi hoàn cho chủ đầu tư 300 tỉ. Nhưng khoản tiền này ai trả? Tỉnh Tiền Giang, Bộ Tài chính hay Bộ GTVT. Bởi khi cùng bắt tay kéo trạm ra xa dự án, có lẽ cả chính quyền địa phương và các bộ, ngành liên quan đã không tính hết đến tác hại của những “khối u” hằng ngày gây nhức nhối, bức xúc trên QL1.
Cần luật hoá để xử lý bất cập của các dự án BOT Chiều 17.8, Bộ GTVT tổ chức họp báo về những bất cập nói chung về các dự án BOT giao thông và trạm thu phí BOT Cai Lậy nói riêng. Trả lời báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, vị trí trạm nằm trong phạm vi dự án và được đặt căn cứ vào phương án tài chính với sự đồng ý của các cơ quan, địa phương như UBND, HĐND tỉnh, các đoàn đại biểu của tỉnh. Ông Đông nhận định, việc thay đổi vị trí trạm sẽ phá vỡ phương án tài chính, tạo ra nợ xấu ngân hàng cùng nhiều hệ luỵ và Nhà nước không có ngân sách để mua trạm. Đại diện Bộ GTVT thừa nhận, trạm Cai Lậy không phải là trạm đầu tiên đặt vị trí như vậy và qua quá trình triển khai đã phát hiện ra một số hạn chế, bất cập cần hoàn thiện hành lang pháp lý. Bên cạnh đó, việc thu phí mở theo lượt như ở trạm BOT Cai Lậy có bất cập và không thể công bằng như cách thu phí kín tại các cao tốc như Trung Lương hay Hà Nội - Hải Phòng và đó là lý do khiến bộ miễn giảm phí cho người dân địa phương. Đại diện bộ cũng thừa nhận, 2 cầu trong phương án ban đầu đã biến thành cống nhưng khẳng định, điều này không tác động nhiều tới phương án tài chính và cho biết, những dự án kiểu như BOT Cai Lậy “có thiếu vốn cũng không làm nữa”. Trả lời câu hỏi của Báo Lao Động, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, đã kiến nghị xây dựng luật PPP - đối tác công tư vì nghị định không xử lý hết các vấn đề và cần thiết phải có khung pháp lý đồng bộ để hút vốn nhiều hơn và minh bạch hơn. Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng, nếu có Luật BOT chúng ta sẽ giải quyết được 60-70% vấn đề tồn tại. K.H |
Theo Linh Anh (Lao Động)