Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nhổn - ga Hà Nội: Lùi đến 2027-2029
Dự án do UBND TP. Hà Nội quyết định đầu tư, quy mô dự án: chiều dài tuyến là 12,5 km (8,5 km đi trên cao và 4,0 km đi ngầm). Tiến độ dự án đến nay đạt 74,4%, dự kiến điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án đến tháng 12/2027. Dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tổng cục Kho bạc (DGT) của Chính phủ Pháp; Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).
Theo Bộ Giao thông vận tải, dự án có công nghệ phức tạp, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam; các đơn vị thực hiện chưa có kinh nghiệm thực tiễn. Các gói thầu ngoài việc thực hiện tuân thủ theo pháp luật của Việt Nam còn phải thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định phía nhà tài trợ, trong khi các yêu cầu ràng buộc theo Hiệp định vay đan xen khác nhau theo các nhà tài trợ, nên khi triển khai gặp nhiều vướng mắc.
Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP. Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn. Mặt bằng triển khai hầu hết thi công trên các tuyến đường giao thông chính của thành phố có lưu lượng giao thông rất lớn, việc tổ chức thi công trong điều kiện mặt bằng chật hẹp, mặt bằng bàn giao từng phần dẫn đến tiến độ kéo dài.
Công tác giải quyết các đơn thư, khiếu nại của người dân trong quá trình thực hiện triển khai dự án chịu sự ảnh hưởng bởi chính sách của các nhà tài trợ.
Bộ Giao thông vận tải cũng cho rằng năng lực của các chủ đầu tư/ban quản lý dự án trong việc quản lý các dự án có công nghệ phức tạp, đan xen nhiều nguồn vốn còn hạn chế; Tổng mức đầu tư dự án tăng, thời gian thực hiện dự án kéo dài dẫn đến phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh.
Nói đến giải pháp khắc phục, Bộ này cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt, UBND TP. Hà Nội đã thành lập Tổ công tác liên ngành để rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tiến độ dự án. Hiện các bên tập trung giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan đến sự khác biệt giữa hợp đồng FIDIC và pháp luật Việt Nam hiện hành; các vướng mắc liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định về định mức, đơn giá - giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị…
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo
Dự án do UBND TP. Hà Nội quyết định đầu tư, quy mô chính: Tổng chiều dài tuyến 11,5 km (8,5 km đi ngầm, 3 km đi cao) với 3 ga trên cao, 7 ga ngầm. Vốn vay Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản. Vốn đối ứng ngân sách TP. Hà Nội.
Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án “cũng có các tồn tại như dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội”.
UBND TP. Hà Nội đang hoàn thiện thủ tục để điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2022.
Dự án đường sắt đô thị TP.HCM tuyến Bến Thành - Suối Tiên
Dự án do UBND TP.HCM quyết định đầu tư, quy mô dự án: Tổng chiều dài 19,7 km (đi ngầm 2,6 km; đi cao 17,1 km). Thời gian thực hiện dự án từ 2007-2021, tiến độ dự án đến nay đạt 90,6%. Dự kiến điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công vào cuối quý IV năm 2023. Dự án sử dụng vốn vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA, trước đây là JIBIC).
UBND TP.HCM đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để trình Chính phủ để điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và bố trí bổ sung hết số vốn ODA cấp phát trung hạn 2021-2025 chưa được giao.
Dự án đường sắt TP.HCM tuyến Bến Thành - Tham Lương
Dự án do UBND TP.HCM quyết định đầu tư, quy mô chính: Tổng chiều dài 11,042 km (đi ngầm dài 9,091 km; đi cao dài 1,951 km) với 10 nhà ga (9 nhà ga ngầm, 1 nhà ga trên cao). Dự án sử dụng vốn vay của ADB, EIB, Ngân hàng Tái thiết Đức. Thời gian triển khai dự án từ 2011-2026, đến nay đã hoàn thành công tác thi công gói thầu CP1 “Xây dựng tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại Depot Tham Lương”, các gói thầu chính còn lại của dự án đang chuẩn bị triển khai lựa chọn nhà thầu.
UBND TP.HCM đang hoàn thiện thủ tục trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh gia hạn thời gian giải ngân, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ dự án và hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án đầu tư.
Trách nhiệm của các địa phương và của Bộ Giao thông vận tải
Các dự án đường sắt đô thị đang được triển khai tại TP. Hà Nội và TP.HCM đều do UBND các địa phương này quyết định đầu tư, giao cho các Ban quản lý dự án trực thuộc thành phố làm chủ đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND thành phố thẩm định hồ sơ thiết kế.
Do đó, Bộ Giao thông vận tải khẳng định toàn bộ công tác chỉ đạo, điều hành trong quá trình thực hiện các dự án đều thuộc thẩm quyền của UBND TP. Hà Nội và UBND TP.HCM.
Bộ Giao thông vận tải cho hay sẽ tiếp tục phối hợp với hai thành phố, các bộ, ngành liên quan kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ UBDN hai thành phố trong quá trình triển khai thực hiện để đưa các dự án vào vận hành, khai thác theo tiến độ đề ra.
Theo Lương Bằng (VietNamNet)