Chiều 1/4, trời mưa lớn khiến sân trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) lênh láng nước. Ở dãy hành lang lớp học, học sinh đứng tụm thành nhiều nhóm, bàn tán về việc nữ sinh lớp 9A bị năm bạn đánh hội đồng.
Hôm nay là ngày đầu tiên quay lại lớp học sau thời gian bị đình chỉ, tuy nhiên theo cô Lê Thị Hoài, Hiệu phó trường Phù Ủng, chỉ một nữ sinh đi học. Bốn em còn lại gia đình thông báo đang lo sợ. Được động viên, phụ huynh hứa đưa đón con đi học một thời gian để ổn định tâm lý, chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10.
Là người quay video và tham gia đánh bạn, Thúy (đã đổi tên) chia sẻ chưa dám đi học vì hoảng sợ, vì phải nhận những lời dọa dẫm từ nhiều người. "Em rất hối hận, mấy ngày nay luôn lo lắng, không dám ra đường vì sợ bị đánh. Em sẽ không bao giờ tái phạm", Thúy nói và cho rằng đây là lần đầu bắt nạt bạn.
Giải thích về việc đình chỉ bốn ngày rưỡi nhóm học sinh đánh bạn, cô Hoài cho biết nhà trường xử lý học sinh vi phạm theo hướng giáo dục tích cực, vừa răn đe, vừa không để các em mất đi quyền học tập. Giáo viên sẽ cùng gia đình trao đổi để học sinh nhận ra vi phạm của mình là nghiêm trọng, thấy được lỗi lầm không chỉ ảnh hưởng đến bạn mà còn nhiều người, trong đó có các em.
Để ổn định tổ chức sau khi hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A bị đình chỉ, trong buổi chào cờ sáng nay, lãnh đạo nhà trường đã chia sẻ về sự việc, nhắc nhở học sinh tập trung học tập. Giáo viên chủ nhiệm và bộ môn lên các lớp làm công tác tư tưởng cho toàn bộ học sinh.
Giáo viên chủ nhiệm: 'Không hiểu vì sao học sinh ngoan lại đánh bạn'
Bị đình chỉ công tác chủ nhiệm và không có lịch dạy chiều nay, cô Hoa Thị Trang vẫn tới trường. "Tôi đã làm đúng trách nhiệm của mình nên không có gì lo sợ. Lúc này, tôi chỉ thấy thương học sinh và rất đau lòng. Các em đã quá bồng bột, không nghĩ đến hậu quả lâu dài", cô Trang nói.
Chỉ còn hơn một tháng nữa những học sinh lớp 9 do cô chủ nhiệm sẽ có bằng tốt nghiệp, mang đến nhiều cơ hội ngay cả khi không học tiếp và đi làm công nhân. Thế nhưng điều đó có thể biến mất sau khi cơ quan điều tra có kết luận.
Theo cô Trang, năm học sinh đánh bạn và em bị đánh đều chuyển vào lớp cô được 1-2 năm, trong đó một em bỏ học một thời gian mới quay lại trường và một em chuyển từ nơi khác đến. Bốn em học tốt, nhận thức nhanh. Hai em còn lại, trong đó có nữ sinh bị đánh, học mức trung bình, không sôi nổi trong lớp.
Nữ sinh từng bỏ học hơn bạn bè một tuổi, nghịch nhất lớp, từng vi phạm nội quy của trường, nhưng không đến mức đánh bạn nghiêm trọng như lần này.
Một học sinh lớp 9A cũng cho biết, nữ sinh hơn tuổi hay đùa nghịch và thường nổi cáu trong lớp. "Mỗi khi nổi cáu, chị ý thường chửi bậy khiến chúng em sợ, không dám lên tiếng vì sợ bị đánh", học sinh này nói. Một nam sinh khác chia sẻ trong lớp sợ nhất nữ sinh từng bỏ học.
Tuy nhiên, cô Trang khẳng định chưa bao giờ nhận được phản ánh việc học sinh đánh nhau hay bắt nạt bạn. Cô thất vọng khi trong số em đánh bạn có Thúy là lớp phó phụ trách học tập và một em năng nổ tham gia hoạt động của lớp, của đoàn trường. "Khi nhận thông tin sự việc, chính tôi cũng không hiểu đây có phải học trò hàng ngày mình vẫn giáo dục hay không. Tại sao một học sinh ngoan, chịu khó học, có học lực tốt lại làm vậy?", cô Trang nói.
Mỗi tuần cô Trang có bốn tiết ở lớp chủ nhiệm, phụ trách môn Toán của khối 6 và môn Trải nghiệm sáng tạo của hai trong ba lớp 6. Với lớp 9A, ngoài chuyên môn, cô phải quản lý 41 học sinh, nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư của các em. "Thời lượng bốn tiết một tuần không đủ để tôi có thể bao quát toàn bộ hành động của học sinh dù đã làm hết sức có thể", cô phân trần.
Theo giáo viên này, nhà trường đã có chương trình dạy kỹ năng sống, hướng dẫn phải hành động thế nào khi bị bắt nạt; có quy định học sinh không được mang điện thoại vào trường. Tuy nhiên, các em không ý thức điều đó và gia đình cũng không phối hợp tốt với nhà trường.
"Giáo dục một phần do nhà trường nhưng giáo dục trong gia đình là nền tảng số 1. Môi trường giáo dục có tốt mà bố mẹ không quan tâm đến con thì tính cách của các em cũng bị ảnh hưởng", cô Trang nói.
Phó hiệu trưởng Lê Thị Hoài khẳng định trường THCS Phù Ủng đã rút ra nhiều bài học về công tác quản lý theo hướng chặt chẽ hơn. Trường đã giao cho giáo viên chủ nhiệm và đoàn đội tuyên truyền, dạy các em cách chống bạo lực học đường để biết ứng xử khi có điều gì không hay xảy ra với mình.
Hội đồng sư phạm nhà trường cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm và bộ môn nắm bắt tâm lý của từng em tốt hơn, quan tâm hơn đến những em có hoàn cảnh đặc biệt để giúp đỡ. Thời gian tới, khi hết giờ, giáo viên trực ban, Ban giám hiệu mới được về. Đến giờ vào lớp và trước khi toàn trường ra về, bảo vệ sẽ khóa cổng. Giáo viên có chìa khóa riêng, phải khóa cổng khi ra vào trường.
Quy định khóa cổng được đưa ra vì các buổi chiều trường THCS Phù Ủng chủ yếu dạy phụ đạo. Học sinh tan lúc 16h40. Hôm xảy ra sự việc (22/3), giáo viên và học sinh đã ra về. Sau đó nhóm nữ sinh quay lại lúc 17h30 và đánh bạn trong lớp học nên cô giáo và lãnh đạo trường không biết.
Trường THCS Phù Ủng hiện có 369 học sinh, chia thành 11 lớp, trong đó khối 9 có hai lớp, các khối còn lại ba lớp. Hiện giáo viên Nguyễn Thị Liễu được giao chủ nhiệm lớp 9A thay cô Hoa Thị Trang.
Trước đó 17h30 ngày 22/3, 5 học sinh lớp 9A trường THCS Phù Ủng đã lột đồ, đánh bạn ngay tại lớp học. Gia đình đã nộp đơn đến công an xã và huyện đề nghị làm rõ sự việc sau khi nhận thấy nhà trường có dấu hiệu che giấu. Sáng 30/3, UBND huyện Ân Thi đình chỉ công tác điều hành chung của Hiệu trưởng Nhữ Mạnh Phong để tập trung xử lý sự việc.
Sáng 31/3, Bộ Giáo dục cùng lãnh đạo tỉnh Hưng Yên xuống trường làm việc. Ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch tỉnh Hưng Yên, đã yêu cầu huyện Ân Thi "xem xét làm quy trình cách chức đối với Chi ủy, Ban giám hiệu nhà trường, tổng phụ trách đội; xem xét kỷ luật hội đồng kỷ luật nhà trường vì bao che, nương nhẹ". Giáo viên chủ nhiệm cần bị xử lý nặng hơn "vì không nắm được tâm tư của học sinh". Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị xem xét hạnh kiểm của học sinh tham gia hành hung.
Theo Dương Tâm (VnExpress.net)