Hà Nội đang lấy ý kiến các chuyên gia về đề án bơm nước sông Hồng bổ cập nước hồ Tây và cải thiện sông Tô Lịch. Tuy nhiên, cũng giống như các giải pháp cải thiện sông Tô Lịch trước đó, đề án này nhanh chóng nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.
Liên quan đến đề án này, PV báo điện tử Người Đưa Tin cũng đã lắng nghe ý kiến từ ông Nguyễn Khắc Kính, nguyên Vụ trưởng vụ Thẩm định và đánh giá tác động Môi trường.
Thưa ông, Hà Nội đang lấy ý kiến về đề án bơm nước sông Hồng bổ cập nước hồ Tây và cải thiện sông Tô Lịch. Ông đánh giá như thế nào về đề án này?
Tôi cho rằng đề án này không khả thi. Không khả thi về mặt kinh tế, bởi nếu bơm thì phải bơm liên tục, không tiền đâu mà rửa nổi.
Không ít người đặt dấu hỏi nếu thực hiện theo đề án này thì nước thải cũ của sông Tô Lịch sẽ trôi về đâu? Và như vậy, chỉ sạch được sông Tô Lịch mà các nơi khác lại phải hứng nước bẩn, làm như thế phải chăng là bằng hoà?
Chắc chắn là nếu không xử lý nước ở sông Tô Lịch trước, mà chỉ đẩy nước từ hồ Tây về thì nước bẩn ở sông Tô Lịch sẽ phải đẩy sang và ô nhiễm ở chỗ khác.
Nếu bơm nước như vậy thì ngày nào cũng phải bơm, rửa thì sông Tô Lịch mới sạch được. Bởi, có hơn 200 cái cống, ngày nào cũng thải nước bẩn ra. Như vậy thì rửa đến bao giờ, làm như vậy rất tốn kém. Còn nếu có tiền để bơm rửa thì cũng chuyển ô nhiễm đó sang cho nơi khác mà thôi.
Và đương nhiên, khi bơm nước vào như vậy thì chỗ hạ lưu của các nhánh sông nhận lấy nước bẩn ô nhiễm là điều hiển nhiên.
Vậy, theo ông để dòng sông Tô Lịch trở nên trong xanh thì phải làm thế nào?
Giải pháp căn cơ để sông Tô Lịch trở nên trong xanh thì chúng ta đã bàn hàng chục năm nay. Tôi cho rằng, bây giờ phải thu được toàn bộ nước thải đem đi xử lý, nhưng khó ở chỗ nước thải của dân chảy chung với cống nước mưa, xử lý cả nước mưa thì quá tốn kém. Còn muốn tách ra, phải đào một hệ thống nước thải riêng, nước mưa riêng, nhưng như vậy thì lại phải đào bới, lại tốn chi phí.
Theo tôi, phải tách được nước mưa và nước thải, riêng nước thải phải thu gom về nhà máy tập trung không cho chảy ra sông Tô Lịch. Sau khi xử lý xong cũng cho chảy đi nơi khác, còn có một phương án là xử lý nước thải xong lại cho chảy ra sông Tô Lịch, như thế thì sông Tô Lịch cũng vẫn chỉ là cống nước thải, không thể đảm bảo chất lượng nước như sông có thể nuôi trồng thuỷ sản, nuôi cá... được.
Xin cảm ơn ông!
Trước đó, ngày 16/5, đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với một Công ty thực hiện “Dự án tài trợ thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng Công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản”. Thí điểm này cũng đã nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt người dân sinh sống quanh khu vực sông Tô Lịch.
Theo Thanh Lam (Nguoiduatin.vn)