"Lời xin lỗi với nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ là đủ và không thể thay đổi những gì tôi đã gây ra, mà chỉ có thể bù đắp phần nào bằng hành động", ông nói.
Ông Bob Kerrey. Ảnh: AP |
Không bất ngờ trước phản ứng dữ dội
Ba năm qua, ông và các cộng sự đã thuyết phục Quốc hội Mỹ dành tiền thanh toán nợ để xây dựng Đại học Fulbright tại Việt Nam. Nỗ lực này đã thành công khi Quốc hội Mỹ quyết định tài trợ 20 triệu USD, còn Chính phủ Việt Nam tặng món quà là khu đất tại TP HCM.
Bob Kerrey nói rằng, ông đã suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định nhận lời làm Chủ tịch Hội đồng tín thác Đại học Fulbright Việt Nam khi những ký ức đau buồn về cuộc thảm chiến năm nào vẫn ám ảnh bản thân. Song, ông mạnh dạn nhận lời vì muốn đóng góp xây dựng một đại học tầm cỡ, có giá trị cho người Việt Nam.
Ông không bất ngờ và cũng không cảm thấy bị xúc phạm trước phản ứng dữ dội của dư luận Việt Nam. Ông khẳng định: "Chúng ta không thể thay đổi quá khứ đau thương. Điều duy nhất chúng ta làm được là hành động cho một tương lai tốt đẹp hơn ở Việt Nam và tôi nỗ lực hướng đến điều này".
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng tín thác Đại học Fulbright Việt Nam, ông muốn trường phải phát triển như một tổ chức giáo dục của Việt Nam, do chính người Việt Nam xây dựng và phát triển. Nhiệm vụ của ông là hỗ trợ việc vận động vốn, huy động nhiều nguồn lực phát triển để trường có một vị thế tầm cỡ.
"Người đứng đầu Đại học Fulbright Việt Nam nên là một người Việt Nam thay vì là một người Mỹ, bất kể quá khứ của họ ra sao. Hiện, tôi chưa thể trả lời câu hỏi có rút lui khỏi vị trí hiện tại hay không. Nhưng chắc chắn rằng, nếu được đóng góp cho sự phát triển của Đại học Fulbright Việt Nam thì tôi sẽ sẵn sàng ở bất cứ cương vị nào", ông Bob Kerrey chia sẻ.
Suy nghĩ nhiều về Việt Nam
Năm 1989, Bob Kerrey đọc lời tuyên thệ trở thành Thượng nghị sĩ bang Nebraska. Ông kể, ký ức của ông in đậm sự kiện bức tường Berlin - biểu tượng cho mâu thuẫn chính trị trong thời chiến tranh lạnh - sụp đổ mùa thu năm đó và hai năm sau, Liên bang Xô Viết tan rã.
"Rất nhiều người đã tuyên bố đầy tự hào rằng cuộc chiến tranh lạnh và chiến lược quân sự về sử dụng vũ khí hạt nhân đã bảo vệ thế giới trước bờ hủy diệt. Có thể họ đúng. Tuy nhiên, chiến tranh kéo dài đã gây ra chết chóc, đau thương mà cuộc chiến tại Việt Nam, khi Mỹ đã lấn sâu, là một ví dụ đầy bi kịch", ông hồi tưởng.
Kể từ đó, Bob Kerrey đã không ngừng suy nghĩ và đặt ra các câu hỏi về quá khứ ở Việt Nam, song không có câu trả lời rõ ràng. Ông đã gián tiếp tham gia những nỗ lực đàm phán hòa bình để đóng góp cho ngày Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Năm 1991, Bob Kerrey bắt đầu tham gia dự án Đại học Fulbright tại Việt Nam bằng ý tưởng xây một trường đào tạo cao học ở TP HCM với sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ cùng số tiền do ông vận động.
Trong khoảng thời gian trên, ông đồng thời làm Chủ tịch trường New School (New York). Với sự hỗ trợ của Đại học Harvard, ông Kerrey đã thực hiện hai dự án cho Bộ Giáo dục Việt Nam trong nỗ lực để tìm kiếm câu trả lời "Việt Nam cần làm gì để thiết lập một đại học độc lập hàng đầu trên chính đất nước mình?". Năm 1995, chương trình cao học này được thúc đẩy phát triển đáng kể và mở rộng vào năm 2000 khi ông tham gia vào một dự luật có liên quan.
Ông Bob Kerrey, 73 tuổi, từng làm thống đốc bang Nebraska (Mỹ) và là ứng viên tham gia chạy đua vào Nhà Trắng năm 1992. Trước khi theo đuổi con đường chính trị, ông là chỉ huy của đơn vị thủy bộ không phối hợp (SEAL) tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông Kerrey đã nhận trách nhiệm vụ thảm sát tại Khâu Băng, ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) khiến 20 người thiệt mạng, năm 1969. |
Theo Mạnh Tùng (VnExpress.net)