Sáng nay (21/11), ông Đinh Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (SKBMTE - Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã cử Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đến kiểm tra và làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng và Sở Y tế. Trước đó, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu sở Y tế của TP Đà Nẵng báo cáo sự cố y khoa khiến sản phụ tử vong.
Trong vòng chưa đầy 1 tuần và 1 tháng qua, 3 sản phụ đến bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng sinh, sau khi tiêm gây tê 2 người đã tử vong, 1 người nguy kịch. Hai sản phụ là V.T.N. S. (34 tuổi, trú quận Cẩm Lệ) và N.T.H (33 tuổi, trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) vào viện cùng ngày 17/11.
Sản phụ S. mang thai hơn 38 tuần nhập viện lúc 8h trong tình trạng cổ tử cung mở 1cm, ối còn, đầu cao. Sản phụ đau vết mổ cũ, tiền sử phát hiện khối sùi âm đạo từ lúc thai 16 tuần. Lúc 11h20 cùng ngày, sản phụ S. được phẫu thuật, sau gây tê tủy sống chị có biểu hiện khó chịu vùng mông, bứt rứt khó chịu, đau, chuyển mê nội khí quản. Bác sĩ gây mê xử trí thuốc theo phác đồ ngộ độc thuốc tê Lipofundin 20% 100 ml x 03 chai, truyền tĩnh mạch, và mời bác sĩ gây mê bệnh viện Phụ Sản Nhi cùng tham gia xử trí.
Đến cuối cuộc mổ, lúc chuẩn bị rút ống nội khí quản thấy bệnh nhân biểu hiện duỗi thẳng hai chi dưới từng cơn, mạch tăng nhanh. Qua hội chẩn đã chuyển sang bệnh viện Phụ sản - Nhi để theo dõi ngộ độc thuốc gây tê tủy sống, mổ lấy thai. Đến tối cùng ngày, bệnh nhân tử vong. Rất may bé gái ra đời sức khỏe ổn định.
Cùng ngày, sản phụ H. mang thai 37 tuần vào viện lúc 10h50, trong tình trạng cổ tử cung mở 1cm, nhau ối bình thường. Sản phụ chuyển dạ vết mổ cũ. Lúc 15h5 cùng ngày, bệnh nhân vào phòng mổ, sau gây tê tủy sống thì có biểu hiện tê, đau vùng mông phải, đau vùng cùng cụt… Bác sĩ khoa gây mê xử trí thuốc theo phác đồ như với bệnh nhân S.
Theo các bác sĩ BV Phụ nữ Đà Nẵng, qua hội ý, thấy triệu chứng bệnh nhân H. giống triệu chứng của bệnh nhân S. vừa chuyển viện nên chuyển sang bệnh viện Đà Nẵng. Khi tới bệnh viện này, bệnh nhân được mổ lấy thai, cháu bé ổn định, tình trạng mẹ tiến triển nặng dần. Bệnh nhân H. sau khi được chuyển qua cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng, hiện sức khỏe tạm dần ổn định, tiếp tục hồi sức tích cực để cải thiện.
Trước đó, ngày 22/10, sản phụ L.H.P.T (32 tuổi, quận Hải Châu) nhập viện sinh con so, đủ tháng. Chiều cùng ngày, sau khi được gây tê cột sống để phẫu thuật lấy con, chị T. đột ngột lên cơn tím tái, khó thở, suy hô hấp rất nhanh và ngưng tim. Bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng để cấp cứu và tử vong ngay sau đó. Bệnh viện Phụ nữ kết luận sản phụ biến chứng sản khoa do sốc phản vệ.
Chiều 20/11, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế TP Đà Nẵng báo cáo quá trình theo dõi, chăm sóc, xử trí của bệnh viện đối với sản phụ S. và sản phụ H.; hỗ trợ và chăm sóc, điều trị tốt nhất cho sản phụ H.; BV Phụ nữ TP Đà Nẵng lập hội đồng chuyên môn, nếu BV không đủ điều kiện thì Sở Y tế TP Đà Nẵng lập, để đánh giá quá trình tiếp đón, theo dõi chăm sóc, xử lý đối với sản phụ S.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế TP Đà Nẵng thông báo kết luận của hội đồng chuyên môn tới gia đình sản phụ và cơ quan truyền thông; xử lý nghiêm tập thể, cá nhân (nếu có) sai phạm về chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ, đạo đức nghề nghiệp; chỉ đạo các sơ sở khám chữa bệnh cung cấp dịch vụ sản khoa và sơ sinh nghiêm túc thực hiện quy định về sử dụng phương pháp vô cảm gây tê vùng trong mổ lấy thai. Trường hợp có nghi ngờ liên quan đến thuốc sử dụng trong quá trình điều trị cho các sản phụ thì cần lập báo cáo phản ứng có hại của thuốc.
Theo Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2019 xảy ra khá nhiều trường hợp tai biến sản khoa sau phẫu thuật mổ lấy thai bằng phương pháp gây tê tủy sống. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế trên cả nước có triển khai phẫu thuật lấy thai không được sử dụng phương pháp gây tê tủy sống ở những sản phụ có nguy cơ dẫn đến tai biến như tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng. Theo các chuyên gia sản khoa, ngoài các yếu tố nguy cơ về bệnh lý thì sản phụ có thể bị sốc phản vệ, dị ứng với chính sản phẩm thuốc tê trong quá trình chuyển dạ.
Chiều 21/11, Đoàn công tác do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu sẽ đến thăm hỏi gia đình nạn nhân tử vong và bệnh nhân đang được điều trị tại BV Đà Nẵng. Cuối buổi chiều nay, Đoàn công tác sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng và Sở Y tế về vụ việc này.
Bệnh viện Phụ nữ cho hay từ tháng 5/2019, bệnh viện dùng thuốc do Ba Lan sản xuất, tên Bupivacaine wpw spinal 0,5% heavy, có giấy phép lưu hành được Cục Quản lý dược Bộ Y tế cấp tháng 9/2017, thời hạn lưu hành 5 năm. Số thuốc trên được cung ứng bởi Công ty cổ phần Dược Trung ương CPC1- chi nhánh Đà Nẵng. Cả 3 sản phụ trên đều dùng số thuốc chung 1 lô, được nhập từ ngày 22/10/2019.
Theo Minh Trang (Giadinh.net.vn)