Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 vừa có văn bản đề nghị UBND và Sở Y tế tất cả các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát và tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị người bệnh Covid-19 tại các địa phương theo đúng phương châm “4 tại chỗ”.
Thứ trưởng cho biết, từ ngày 27/4 đến nay, tình hình dịch Covid-19 có những diễn biến rất nghiêm trọng, cả nước ghi nhận trên 2.900 ca bệnh nhân tại 31 tỉnh, thành phố, 9 trường hợp tử vong.
Khoảng 10% ca bệnh có diễn biến nặng và rất nặng. Tuy nhiên một số địa phương không có sự chuẩn bị tốt về các điều kiện cấp cứu, hồi sức tích cực nên khi có ca bệnh nặng đã xử lý lúng túng và chuyển tuyến trên, gây áp lực và quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối.
Trước thách thức nghiêm trọng này, Ban chỉ đạo Quốc gia yêu cầu Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương củng cố các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu đặc biệt là máy thở, hệ thống ôxy trung tâm, khí nén, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu.
Đặc biệt lưu ý tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại bệnh viện đa khoa tỉnh/thành phố và các bệnh viện được phân công thu dung điều trị ca bệnh Covid-19.
Các tỉnh/thành phố chưa phát hiện ca bệnh Covid-19, lập tức cử ngay các kíp điều trị đi đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị tại các bệnh viện tuyến cuối (hoặc đào tạo trực tuyến).
Bộ Y tế phê bình các bệnh viện được phân công điều trị Covid-19 tại một số tỉnh/thành phố đã thiếu chủ động trong công tác cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị ca bệnh.
Do đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các tỉnh/thành phố phải chỉ đạo các bệnh viện rà soát lại năng lực điều trị người bệnh nhân Covid-19 của các bệnh viện trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tiếp nhận, cách ly và điều trị người bệnh theo phương châm “4 tại chỗ”.
Sở Y tế và các bệnh viện báo cáo diễn biến ca bệnh hàng ngày, năng lực điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực trên phần mềm trực tuyến của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.
Các địa phương chuẩn bị sẵn sàng phương án phân công ít nhất một bệnh viện trong địa bàn làm bệnh viện dã chiến (căn cứ theo quy mô dân số địa phương), trong đó có bố trí khu cấp cứu, hồi sức tích cực và chuẩn bị các trang thiết bị, khí y tế và các điều kiện khác.
Hiện Bắc Giang là tâm dịch nóng nhất cả nước với gần 1.500 ca bệnh. Hiện các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội, Chợ Rẫy, Phổi Trung ương… đã cử các ekip tinh nhuệ đến hỗ trợ điều trị, thiết lập các bệnh viện dã chiến.
Trong số các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang tiếp nhận đông nhất với 422 trường hợp
Theo Thúy Hạnh (VietNamNet)